Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Lĩnh vực trồng trọt, mô hình chuỗi giá trị bắp do HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước An, xã Phước Vinh (Ninh Phước) chủ trì liên kết với Công ty TNHH Hạt giống CP, Công ty Giống cây trồng miền Nam, Công ty Giống cây trồng Đông Nam được đánh giá là bền vững nhất, duy trì đã 10 năm nay, với quy mô tập trung sản xuất theo cánh đồng lớn. Thông qua liên kết, nông dân được các DN cung cấp giống, hỗ trợ dịch vụ bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư chi phí sản xuất với mức 5 triệu đồng/ha. Toàn bộ sản phẩm làm ra, được DN bao tiêu với giá cao hơn ngoài thị trường ở thời điểm hiện tại, nên nông dân thu lãi cao, đạt 40-45 triệu đồng/ha. Những chuỗi liên kết sản xuất măng tây xanh, nho, nha đam, tuy mới hình thành trong vài năm gần đây, nhưng tạo được sự khắng khít giữa các bên tham gia, ngày càng đi vào chiều sâu, chú trọng khâu chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đối với chăn nuôi, mô hình liên kết chuỗi giá trị nuôi dê, cừu thịt giữa Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín với hộ chăn nuôi đã hạn chế được khả năng thua lỗ trong sản xuất.
Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) liên kết với doanh nghiệp trồng măng tây xanh theo chuỗi giá trị có hiệu quả.
Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp tạo cơ hội cho DN, đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà phân phối gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, đưa sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng. Với nỗ lực của ngành chức năng và các địa phương, việc kết nối “cung- cầu” trong thời gian qua được triển khai hiệu quả, theo hướng chuyên nghiệp. Hoạt động cung cấp thông tin hỗ trợ DN tìm kiếm cơ hội xúc tiến thương mại nông sản được nâng cao, các DN có nhiều cơ hội tham gia hội chợ do các bộ, ngành, Trung ương và địa phương tổ chức. Các mặt hàng nông sản đặc thù của tỉnh như nho, táo, măng tây xanh, dê, cừu… được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển, người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú. DN phân phối có nguồn hàng ổn định với đa dạng chủng loại phục vụ khách hàng, từ đó tăng doanh thu và mở rộng hệ thống phân phối, góp phần phát triển thương mại trong tỉnh liên tục tăng trưởng mạnh.
Mặc dù đã có những bước chuyển biến tích cực, song vẫn phải nhìn nhận một thực tế là quá trình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự bền vững, mang tính thời vụ và hầu hết các DN chưa tin tưởng vào nông dân. Nguyên nhân chủ yếu được ngành Nông nghiệp xác định là do trình độ người dân còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, vì cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. Mặc dù đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cả thỏa thuận từ đầu vụ, nhưng đến kỳ thu hoạch thương lái thu mua với giá cao hơn là nông dân phá vỡ hơp đồng, gây thiệt hại cho DN. Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận không hài lòng với việc gần đây HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) đã tự phá vỡ mối liên kết truyền thống mà các bên đã xây dựng bấy lâu nay. Ông Tuấn nói: Công ty chúng tôi có công lớn trong việc đầu tư cho nông dân xã An Hải trồng măng tây xanh trên vùng đất cát. Nỗ lực của DN đã góp phần vào thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi cây trồng cạn, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Khi công ty cử cán bộ kỹ thuật đến địa phương khảo sát, hợp tác trồng măng tây xanh, các hộ dân ở đây đời sống còn nhiều khó khăn, công ty đã bỏ ra số tiền lớn mua hạt giống hỗ trợ bà con sản xuất. Thế nhưng sau đó ít năm, khi măng tây xanh khẳng định được vị thế của loài cây trồng có giá trị kinh tế cao, hộ trồng đã “bội ước” với công ty, bán sản phẩm cho thương lái.
Ngành Nông nghiệp đang đứng trước xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sản phẩm hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm cùng loại trong nước cũng như nước ngoài. Chính vì vậy, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa, hỗ trợ gắn kết giữa DN, HTX và nông dân một cách bền vững là yếu tố then chốt dẫn đến thành công ở giai đoạn hiện nay. Hướng tới đạt mục tiêu xây dựng các mối liên kết bền vững, Sở NN&PTNN đề ra giải pháp thực hiện tốt chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển nhanh, hiệu quả và vững chắc nền kinh tế hợp tác, HTX liên kết với DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn nông dân sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh.
Anh Tùng