Hiện nay, toàn tỉnh có 450 cơ sở/1.200 trại sản xuất tôm giống, với tổng công suất bể ươm hơn 130.000m3, hằng năm cung cấp hơn 30 tỷ postlavae chất lượng tốt cho nghề nuôi tôm thương phẩm ở các tỉnh trong cả nước, từ Quảng Ninh đến Cà Mau.
Quy hoạch đồng bộ vùng sản xuất tập trung
Để phát triển nghề nuôi tôm giống theo hướng bền vững, tỉnh đã quy hoạch Khu sản xuất giống thủy sản tập trung ở xã An Hải (Ninh Phước) và xã Nhơn Hải (Ninh Hải). Trong đó, đáng chú ý là Khu sản xuất ở xã An Hải quy mô 125 ha, được đầu tư khá đồng bộ về kết cấu hạ tầng. Khu này thu hút 100 doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, bao gồm cả những tập đoàn lớn của nước ngoài, như: Công ty Cổ phần CP Việt Nam, Công ty TNHH Grobest, Công ty TNHH Uni-President VN, Công ty TNHH Giống thủy sản Hisenor, Công ty TNHH Việt Úc. Theo đánh giá của ngành chức năng, đây là một trong những vùng quy hoạch mang lại hiệu quả không những lĩnh vực thu hút vốn đầu tư mà còn chú trọng áp dụng công nghệ tiên tiến của nước ngoài vào đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nghề sản xuất tôm giống.
Sản xuất tôm giống chất lượng cao tại Công ty Cổ phần Đầu tư S6 (Ninh Hải).Ảnh: B. Thương
So sánh với những nơi khác, công tác quy hoạch khu sản xuất tôm giống của tỉnh ta được cho là khá bài bản. Ngay như Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Nhơn Hải (Ninh Hải) mới được hình thành gần đây, nhưng cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng các trại sản xuất tôm giống. Tuy quy mô diện tích không lớn bằng Khu sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải (khoảng 100 ha), nhưng sản lượng tôm giống sản xuất ở khu vực này chiếm khoảng 45-55% tổng sản lượng giống của cả tỉnh. Yếu tố để các khu quy hoạch nhanh chóng được “lấp đầy” đó nhà nhờ quá trình thực hiện có sự nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng những địa điểm có điều kiện tự nhiên thích hợp cho nuôi trồng thủy sản, như: Nước biển luôn giữ độ mặn cao và ổn định quanh năm, hệ thống cấp và xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, đạt tiêu chuẩn.
Bàn về công tác quy hoạch khu sản xuất tôm giống, những nhà chuyên môn đều cho rằng, điểm nổi trội của Ninh Thuận so với những tỉnh khác là bên cạnh đưa vào hoạt động 2 khu sản xuất giống thủy sản tập trung, còn quy hoạch được Khu sản xuất tôm bố mẹ sạch bệnh duy nhất trong cả nước ở thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh (Thuận Nam). Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp tổ chức vừa qua, đồng chí Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho hay: Mỗi năm cả nước cần 250.000 con tôm bố mẹ để sản xuất 100 tỷ giống tôm thẻ chân trắng và 30 tỷ giống tôm sú. Nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất giống chủ yếu là nhập khẩu, một phần khai thác ngoài tự nhiên và sản xuất trong nước, chủ yếu từ Công ty TNHH MOANA Ninh Thuận.
Chú trọng nâng cao chất lượng
Hiện nay, nhu cầu tôm giống chất lượng cao và sạch bệnh để cung cấp cho người nuôi tôm thương phẩm là rất lớn. Tuy nhiên, chất lượng tôm giống trên thị trường vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người nuôi. Nhằm khẳng định vị thế trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tổ chức triển khai nghiêm túc, trách nhiệm việc kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống. Quản lý, giám sát chặt chẽ thời hạn sử dụng tôm bố mẹ mục đích sinh sản đúng quy định để đảm bảo chất lượng tôm giống trong quá trình sản xuất và trước khi lưu thông đến với người nuôi. Thực hiện quy chế phối hợp quản lý giống thủy sản giữa các tỉnh sản xuất tôm giống với các địa phương trong cả nước có thế mạnh phát triển nghề nuôi tôm.
Cùng với đó, công tác hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất tôm giống có hiệu quả cũng được tăng cường. Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn đã đi tiên phong ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất tôm giống, như: Nuôi cấy tảo thuần chủng trong hệ thống tuần hoàn khép kín; công nghệ lắng lọc nước, xử lý bằng ozone, tia cực tím. Ương nuôi trùng ấu bằng công nghệ vi sinh, ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để chuẩn đoán, xét nghiệm bệnh tôm bằng phương pháp tiên tiến. Trong tổ chức sản xuất, các doanh nghiệp đang có xu hướng liên kết lại với nhau để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tập hợp nguồn lực con người, tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật để đầu tư vào chiều sâu, đã nâng cao được chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh.
Xây dựng thương hiệu để tạo sự khác biệt
Để giữ vững thương hiệu sản phẩm tôm giống, giải pháp phát huy giá trị Nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” và nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở sản xuất về sở hữu trí tuệ cũng được chú trọng thực hiện. Theo đó, ngành chức năng đang thiết kế và áp dụng Nhãn hiệu tôm giống với logo đặc trưng, tích hợp các thông tin để hộ nuôi có thể sử dụng điện thoại di động nhận dạng, truy xuất các nội dung liên quan đến cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm. Từ đó, giúp hộ nuôi tránh được tình trạng mua nhầm tôm giống kém chất lượng bán trôi nổi ngoài thị trường. Tiến sỹ Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Tôm giống được xác định là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh, năm 2018 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký dưới hình thức Nhãn hiệu chứng nhận. Đây là điều kiện quan trọng để tiếp tục khẳng định thế mạnh của nghề sản xuất tôm giống ở tỉnh ta. Khi đưa vào khai thác, Nhãn hiệu sẽ hỗ trợ công tác quản lý, nâng cao uy tín cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính; đồng thời, giúp các hộ nuôi tôm trong cả nước dễ dàng kiểm tra thông tin, truy xuất nguồn gốc xuất xứ của đàn tôm giống.
Có thể nói, từ định hướng phát triển đúng đắn, nghề sản xuất tôm giống gần đây có bước chuyển biến tích cực, khẳng định được vị thế số 1 của cả nước. Tiếp tục thực hiện đạt mục tiêu của Nghị quyết 07 là nâng cao chất lượng và sản lượng tôm giống, ngành Nông nghiệp khuyến khích các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ liên kết thành những doanh nghiệp lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng quy trình công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra con giống chất lương tốt; đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trên thị trường.
|
* Tiến sỹ Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Để xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước, Nghị quyết 07 xác định tập trung nhiều giải pháp đồng bộ từ khâu quy hoạch, đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của nghề sản xuất tôm giống. Tăng cường năng lực kiểm tra, kiển soát chất lượng tôm giống. Hiện nay, trong khuôn khổ Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững-CRSD, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được hỗ trợ xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng tôm giống với đầy đủ máy móc thiết bị phục vụ cho công tác xét nghiệm, chẩn đoán bệnh thủy sản nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống trước khi lưu thông trên thị trường. Đây là điều kiện thuận lợi phục vụ đắc lực cho công quản lý chất lượng tôm giống đảm bảo sạch bệnh.
|
Đồng chí Dư Ngọc Tuân, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản: Tồn tại, hạn chế của nghề sản xuất tôm giống hiện nay là tôm thẻ chân trắng bố mẹ phải lệ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài và các nguồn khác nhau, nên chất lượng không ổn định. Một số đàn tôm bố mẹ có sức sinh sản thấp, buộc doanh nghiệp phải tiêu hủy sớm hơn thời gian được phép sử dụng, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhà sản xuất. Trong khi đó, tôm sú bố mẹ khai thác từ tự nhiên ngày càng khan hiếm, giá bán cao, chất lượng không ổn định, ảnh hưởng lớn đến các hộ nuôi tôm thương phẩm. Theo tôi, giải pháp khắc phục hạn chế là sớm đầu tư xây dựng hoàn thiện các hạng mục kết cấu hạ tầng khu sản xuất giống tập trung theo hướng đồng bộ, hiện đại để thu hút các doanh nghiệp mở rộng sản xuất tôm bố mẹ tại Ninh Thuận.
|
Thạc sỹ Huỳnh Minh Khánh,Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Con giống là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của nghề nuôi thương phẩm, việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống là hết sức cần thiết. Chất lượng con giống được quyết định bởi yếu tố đầu vào và quá trình sản xuất. Do đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra và xác nhận con giống không mang mầm bệnh là rất quan trọng, có ý nghĩa then chốt đối với nghề nuôi tôm thương phẩm. Năm 2018, đơn vị đã tiến hành kiểm dịch hơn 29 tỷ con tôm postlervae giống, hơn 10 tỷ con naupliius thẻ chân trắng và hơn 6.500 con tôm bố mẹ. Công tác kiểm dịch thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30-6-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với các chỉ tiêu xét nghiệm trên tôm postlervae, bao gồm những tác nhân gây bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và các cơ quan biểu mô.
Anh Tùng