Chuyển mình phát triển
Trở lại huyện Ninh Sơn vào những ngày đầu tháng Tư, chạy xe trên Quốc lộ 27 qua các xã Nhơn Sơn, Mỹ Sơn, Quảng Sơn, thị trấn Tân Sơn, rồi ngược Lâm Sơn vào Ma Nới chúng tôi nhận thấy những tên xóm, tên làng gắn liền với lịch sử năm xưa nay đang khoác lên mình một diện mạo mới. Gặp lại chúng tôi, đồng chí Võ Đình Vinh, Chủ tịch UBND huyện tự hào nói: Trong chiến tranh, quân và dân huyện Ninh Sơn luôn một lòng theo Đảng, bám đất, giữ làng nuôi dấu cán bộ cách mạng. Đất nước thống nhất, bà con nhanh chóng bắt tay vào xây dựng quê hương, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó đến nay đời sống đã ngày dần ổn định.
Huyện Ninh Sơn trên đường phát triển. Ảnh: H.P
Nhìn lại chặng đường 27 năm qua, nhất là sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Ninh Sơn đạt 11,2%; trong đó cơ cấu giữa các ngành đến năm 2018: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 47%; công nghiệp - xây dựng chiếm 34,8%; thương mại – dịch vụ chiếm 18,2%. Đặc biệt, thu ngân sách tăng liên tục trong nhiều năm, từ 43,9 tỷ đồng năm 2016 đến năm 2018 đạt trên 50 tỷ đồng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến; đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở đổi mới phong cách, lề lối làm việc; trình độ, năng lực được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Riêng trong quý I – 2019, nhờ thực hiện các giải pháp đúng hướng, phù hợp, nên kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng ổn định. Một số mô hình kinh tế như trồng Hoa Lan, trồng cây ăn quả gắn với phát triển du lịch sinh thái, mô hình “1 phải 5 giảm” trên cây lúa, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mía, mì... tiếp tục phát huy hiệu quả. Nhờ đó, góp phần đưa tổng diện tích gieo trồng vụ đông – xuân đạt 9.462 ha, đạt 102,7% kế hoạch và tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Nông dân Ninh Sơn trồng Hoa lan mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.Miên
Phát huy truyền thống lịch sử của quê hương và tiềm năng, lợi thế được ưu đãi, những năm qua, huyện Ninh Sơn còn huyến khích các thành phần kinh tế trên địa bàn phát triển mạnh ngành công nghiệp–tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để phát triển cụm Công nghiệp Quảng Sơn, đến nay, cụm công nghiệp này đã có một số nhà máy như: Gạch Tuy nen Quảng Thuận, Nhà máy sản xuất khăn bông Quảng Phú... đã đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện vận động nhân dân đoàn kết chung tay thực hiện từng bước đi cụ thể, nên đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Qua kết quả rà soát, đến nay các chỉ số về mức sống, thu nhập, số hộ dân dùng nước sạch..., ngày một tăng; tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn khoảng 15%, điều đó cho thấy kinh tế của huyện Ninh Sơn đang chuyển dần rõ nét.
Nỗ lực vượt 3 tiêu chí kinh tế
Trong định hướng phát triển kinh tế năm 2019, huyện Ninh Sơn đang tập trung thực hiện, quyết tâm đưa tốc độ tăng trưởng đạt 11% và phấn đấu cao hơn, trong đó 3 chỉ tiêu kinh tế chính: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản phấu đấu tăng tăng 6%; công nghiệp- xây dựng tăng 18%; thương mại- dịch vụ tăng 11%. Để tạo ra giá trị gia tăng, năng lực mới đóng góp thêm vào tăng trưởng, huyện chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng theo hướng chú trọng khai thác những tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển, trong đó:
Đối với lĩnh vực công nghiệp - tiêu thủ công nghiệp, ngoài khuyến khích phát triển, khai thác hiệu quả năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến hiện có, huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển cụm Công nghiệp Quảng Sơn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án công nghiệp đang triển khai, nhất là các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện mặt trời). Theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương triển khai các công trình xây dựng cơ bản đã phân bổ vốn năm 2019; củng cố và nâng cao năng lực hoạt động quản lý đầu tư xây dựng của các xã, thị trấn để thực hiện tốt các công trình được phân cấp đầu tư.
Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú (Ninh Sơn) đầu tư trang thiết bị hiện đại,
nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Văn Miên
Đối với lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp, thủy sản, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Trước mắt, tập trung theo dõi và chỉ đạo chăm sóc và thu hoạch cây trồng vụ đông - xuân; triển khai kế hoạch gieo trồng vụ hè - thu đảm bảo đúng tiến độ và hết diện tích. Tăng cường công tác quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi hiện có, huy động nhân dân nạo vét kênh mương nội đồng nhằm đảm bảo nước tưới về vùng cuối kênh. Tăng cường kiểm soát và xử lý kịp thời dịch bệnh nhằm bảo vệ cây trồng, đàn gia súc, gia cầm; chú trọng và tạo điều kiện để bà con phát triển các mô hình kinh tế trang trại theo hướng chất lượng cao. Về lâu dài, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; triển khai nhân rộng một số mô hình nông nghiệp mới có hiệu quả theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, hướng đến liên kết theo chuỗi giá trị giữa cung ứng vật tư đầu vào gắn với thu mua, sơ chế, tiêu thụ các loại nông sản thế mạnh của địa phương, nhằm phát triển toàn diện ngành nông, lâm, thủy sản.
Về lĩnh vực thương mại – dịch vụ huyện tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở để vận động nhân dân tập trung mọi nguồn lực đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư để phát triển thị trấn Tân Sơn lên đô thị loại IV. Có chính sách hỗ trợ vay vốn, cải cách hành chính, giúp các hộ kinh doanh mạnh dạn đầu tư phát triển thêm các ngành nghề mới, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Chỉ đạo các địa phương tận dụng lợi thế của tuyến Quốc lộ 27 để quy hoạch không gian hợp lý nhằm phát triển cả ba lĩnh vực: công nghiệp – du lịch – nông nghiệp. Quan tâm phát triển dự án vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái ở Lâm Sơn. Đẩy mạnh khai thác các tiềm năng, lợi thế từng vùng để phát triển thương mại – dịch vụ, gắn với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Văn Thanh