Những ngày đầu tháng Tư lịch sử, chúng tôi tìm đến thôn Rã Trên gặp Anh hùng LLVT Chamaléa Châu. Trong ngôi nhà cấp 4 được Nhà nước xây dựng, món quà ông Châu tặng chúng tôi là những câu chuyện đánh giặc năm xưa. Vì tuổi đã cao, trí nhớ có phần giảm sút nên những câu chuyện ông kể hôm nay không còn được đầy đủ, chi tiết nhưng vẫn đủ để chúng tôi hình dung về một thời hào hùng của dân tộc. Đó là khoảng thời gian từ năm 1961 khi chàng thanh niên Raglai tuổi 28 bắt đầu tham gia vào lực lượng dân quân địa phương đến những năm tháng ác liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Khi đó, ông vừa là Bí thư Đảng ủy xã vừa tham gia chỉ đạo lực lượng dân quân xã bắn hạ hơn 70 chiếc máy bay địch trên bầu trời Phước Trung, cho đến những ngày sau thắng lợi mùa xuân năm 1975, ông tham gia vận động nhân dân xuống núi ổn định đời sống. Với ông Châu, câu chuyện về một lần ôm bộc phá đi đánh chặn đường tiến công của địch ở đường ray An Hòa hay chuyện 7 lần bắn hạ máy bay Mỹ là ký ức chẳng thể nào quên. Đó là thành tích anh hùng của một thời trai trẻ ông giữ đến hôm nay.
Ở tuổi 86, Anh hùng LLVT Chamaléa Châu vẫn còn rất minh mẫn.
Chiến tranh đi qua, với ông được sống trong những ngày đất nước thống nhất, hòa bình là may mắn, hạnh phúc lắm rồi. Bởi vậy, buông tay súng, ông trở về với cuộc sống đời thường vô cùng bình dị, chân chất và tìm hướng đi phát triển kinh tế. Từng đảm nhận nhiều chức vụ chủ chốt từ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã, Trưởng công an xã, 2 nhiệm kỳ giữ chức Chủ tịch UBND xã, 2 nhiệm kỳ là Bí thư Đảng ủy xã nên khi bắt tay vào làm kinh tế, ông Chamalé Châu có tư duy nhạy bén hơn hẳn. Ông hiểu được rằng, trên ngọn đồi này, đất đai cằn cỗi, nguồn nước thiếu thốn, có khi cả năm trời không có mưa, việc trồng trọt may lắm chỉ đủ phục vụ miếng ăn hằng ngày, đừng nói chi đến làm giàu. Do đó, chỉ có chăn nuôi mới giúp ông và bà con dân làng vươn lên thoát nghèo. Và đã làm chăn nuôi thì không chỉ dựa vào kinh nghiệm mà còn phải biết áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
Nghĩ là làm, từ con bò cái mua theo diện vay vốn xóa đói giảm nghèo ban đầu, ông phối giống với bò lai Sind để tạo ra những con bê cao lớn, khỏe mạnh, đủ sức chống chọi với thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Khi bò bị bệnh, ông không tự chạy chữa mà tìm cán bộ thú y về điều trị. Hằng ngày, nhờ đôi chân khỏe mạnh, ông dẫn đàn bò lên tới đỉnh núi Rã để tìm thức ăn. Bởi vậy, đàn bò không bị đói và nhanh chóng sinh sôi thành đàn. Ngoài nuôi bò, mấy năm trước, ông Châu còn mua thêm mấy con trâu về chăn nuôi. Hiện nay, ông có 10 con bò và 15 con trâu trị giá vài trăm triệu đồng.
Vài năm nay, vì tuổi cao, sức yếu, ông Châu không thể dẫn đàn gia súc lên núi nên giao lại cho con cháu nhưng chẳng bao giờ quên dặn dò cách chăm sóc đàn trâu, đàn bò. Tuổi già của ông hôm nay lại quay về chăm sóc đàn heo, đàn gà ở nhà và tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Với ông, tuổi trẻ sống và chiến đấu vì độc lập của dân tộc, tuổi trung niên tập trung phát triển kinh tế, khi về già được quây quần bên vợ hiền cùng con cháu thế là quá trọn vẹn.
Ông Ta Yên Xốn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Trung cho biết: Không chỉ là người anh hùng trong chiến đấu, ông Châu còn là tấm gương đi đầu về làm kinh tế giỏi tại địa phương và sẵn sàng giúp đỡ bà con trong xã khi có việc cần. Đồng thời, nhờ kinh nghiệm và uy tín, ông còn tích cực trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chăm lo giáo dục thế hế hệ trẻ… Ông là niềm tự hào của nhân dân xã Phước Trung.
Ngọc Diệp