Là người gắn bó với sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà nhiều năm qua, đồng chí Phạm Hồng Cường, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, chia sẻ: Năm 1992, khi tỉnh nhà tái lập, tôi được phân công đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT. Thời điểm ấy, nền kinh tế-xã hội của tỉnh còn nghèo; sự nghiệp GD&ĐT còn khó khăn, đội ngũ giáo viên thiếu thốn và chưa đồng bộ, cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh (HS). Ở nhiều nơi, các cháu còn phải học nhờ, học tạm… 27 năm sau ngày tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nghiệp GD&ĐT tỉnh ta ngày càng khởi sắc, đặc biệt là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Công tác khuyến học-khuyến tài cũng được quan tâm đẩy mạnh, trở thành “cánh tay nối dài” giúp ngành GD&ĐT chăm lo, hỗ trợ HS, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, học tập.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao Cờ thi đua của
Thủ tướng Chính phủ cho Trường THPT Nguyễn Du (Ninh Sơn).
Ngược thời gian về thời điểm tái lập tỉnh (4-1992), hệ thống GD&ĐT tỉnh ta tuy đã có bước phát triển so với trước, song nhìn chung mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học vẫn còn thiếu thốn. Toàn tỉnh chỉ có 70 cơ sở giáo dục mầm non, 106 trường tiểu học, 18 trường THCS và 5 trường THPT. Nhiều xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có trường lớp, tỷ lệ HS bỏ học còn cao. Các mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; giáo dục ngoài công lập… cũng chưa có. 27 năm sau ngày tái lập tỉnh, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, ngành GD&ĐT tỉnh ta có bước phát triển vượt bậc về cả quy mô và chất lượng. Đến nay, toàn ngành có 338 cơ sở GD&ĐT (trong đó có 22 cơ sở giáo dục ngoài công lập): bao gồm 92 trường mẫu giáo, mầm non, 154 trường tiểu học, 64 trường THCS, 20 trường THPT, 6 trung tâm, Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận và Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận, với trên 10.600 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm nhận giảng dạy cho trên 140.000 HS các cấp học. Cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư theo hướng kiên cố hóa và đạt chuẩn quốc gia, không còn phòng học ca 3 ở các cấp học.
Trường CĐSP Ninh Thuận nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: Văn Nỷ
Toàn tỉnh hiện có 118 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó, trường phổ thông 100/234 trường, đạt 42,73%, tăng 5,43%; trường mầm non 18/88 trường, đạt 20,5%, tăng 8,5 so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ HS tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 58,41%… Không chỉ chuyển biến về quy mô, chất lượng GD&ĐT cũng được nâng lên; tình trạng lưu ban, bỏ học giảm. Đến nay, 100% xã, phường huyện, thành phố được công nhận xóa mù chữ, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học; 64/65 xã đạt chuẩn phổ cập THCS. Trong năm 2018, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT đạt 94,06%, tăng 1,16%; trên 65% HS trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước… Những năm học qua, tỉnh ta có nhiều HS, sinh viên có thành tích học tập, nghiên cứu tốt, làm rạng danh nền giáo dục tỉnh nhà. Điển hình như các bạn: Nguyễn Thanh Liêm (cựu HS Trường THPT Chu Văn An) đỗ thủ khoa khối B, Đại học Sài Gòn và á khoa khối A, Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh năm 2012. Hai HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn là Trịnh Ngọc Thạnh, đỗ á khoa Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và Ngô Duy Tài, đỗ á khoa Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh năm 2014; Nguyễn Hữu Thực và Trần Hoàng Nguyên, HS lớp 11C4, Trường THPT Trường Chinh (Ninh Sơn) xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học, năm học 2018- 2019 (khu vực phía Nam) với sản phẩm dự thi: “Mô hình máy điều khiển tự động thu gom nông sản trên sân phơi”… và nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh có thành tích học tập xuất sắc ở nước ngoài được UBND tỉnh tuyên dương, tặng Bằng khen trong năm 2018 như: Châu Thanh Vũ, Dương Anh Vũ, Lê Huyền Thảo Uyên, Nguyễn Hữu Cát Thư.
Giờ lên lớp của cô và trò Trường TH Tấn Tài 3 (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm).
Điều đáng ghi nhận sau 27 năm tái lập tỉnh là điều kiện học tập, chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh không ngừng được nâng lên. Chỉ tính riêng năm 2018, tỉnh ta đã triển khai xây mới 128 phòng học tại 25 trường mầm non, tiểu học thuộc vùng miền núi, xã đặc biệt khó khăn từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ theo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên. Đến nay, tất cả các xã miền núi đều có trường mầm non, tiểu học, THCS, đươc đầu tư xây dựng khang trang, trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Riêng huyện miền núi Bác Ái hàng năm có trên 120 HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học lên đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cung cấp nguồn nhân lực trẻ qua đào tạo cho địa phương. Công tác giáo dục HS khuyết tật được quan tâm bằng việc thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh năm 2015. Công tác xã hội hóa giáo dục không ngừng được đẩy mạnh, huy động hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường lớp; đồng thời, thành lập 22 cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo ngoài công lập, 2 trường liên cấp TH, THCS và THPT tư thục… Tuy mới ra đời và phát triển những năm gần đây, song mô hình giáo dục ngoài công lập từ cấp mầm non đến THPT đã và đang góp phần xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu học tập của HS, giảm tải áp lực cho các trường công lập, đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng hội nhập quốc tế.
Có thể nói, sau 27 năm tái lập tỉnh, ngành GD&ĐT tỉnh ta đã và đang có những bước phát triển khá mạnh mẽ. Phát huy những kết quả đạt được, năm học này và những năm tiếp theo, ngành GD&ĐT tỉnh nhà tiếp tục phấn đấu vươn lên gặt hái những thành quả mới, huy động tốt mọi nguồn lực nâng cao chất lượng GD&ĐT theo hướng toàn diện, góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà ngày thêm khởi sắc.
Lâm Anh