Xử lý dự án titan theo tinh thần Nghị quyết 115/NQ-CP

(NTO) Theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31- 8- 2018, Chính phủ cho chủ trương tạm dừng thực hiện các dự án khai thác titan, sử dụng quỹ đất triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên để sớm đưa quỹ đất này vào sử dụng hiệu quả, cần phải khẩn trương triển khai các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp.

Theo Nghị quyết 115 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023 Chính phủ đã có chủ trương tạm dừng triển khai các dự án khai thác titan. Cụ thể, đối với những khu vực có chứa quặng titan chưa đảm bảo điều kiện khai thác, ảnh hưởng môi trường, thuộc quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng titan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà chưa cấp phép thăm dò, khai thác thì đưa vào khu dự trữ quốc gia để triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời. Đối với những dự án đã cấp phép, giao UBND tỉnh thống nhất với nhà đầu tư để có phương án xử lý phù hợp, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Khai thác hiệu quả diện tích đất thuộc dự án titan ven biển góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện chủ trương trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các doanh nghiệp được cấp phép thăm dò, khai thác titan trên địa bàn tỉnh. Qua lắng nghe các nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp, hầu hết các chủ đầu tư đồng tình, ủng hộ việc tạm dừng triển khai dự án titan để chuyển đổi sang đầu tư dự án năng lượng tái tạo theo tinh thần Nghị quyết 115 của Chính phủ; đồng thời kiến nghị được chuyển đổi đầu tư dự án năng lượng sạch trên diện tích đất đã được cấp phép theo lộ trình. Cụ thể, Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn-Ninh Thuận kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và bổ sung quy hoạch dự án điện mặt trời công suất 500 MW trên diện tích 54 ha đã được thuê đất; Công ty Cổ phần Vinaminco Ninh Thuận đề nghị được triển khai xây dựng nhà máy điện gió công suất 200MW thuộc phạm vi diện tích 200 ha; Công ty Cổ phần Khoáng sản Đất Quảng-Ninh Thuận đề nghị đầu tư dự án điện gió công suất từ 200 đến 400 MW kết hợp làm nông nghiệp sạch; Công ty TNHH MTV Quang Thuận Ninh Thuận đề nghị đầu tư điện mặt trời trên diện tích đã cấp phép khai thác trong phạm vi Nhà máy Điện hạt nhân 1; Công ty Cổ phần Khoáng sản và đầu tư Quang Thuận đề nghị đầu tư dự án điện mặt trời trên diện tích 676,3 ha chưa cấp phép thăm dò và Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Ninh Thuận cũng đồng ý với chủ trương tạm dừng thực hiện dự án khai thác titan tại khu vực 88 ha. UBND tỉnh cũng đã hủy chủ trương đầu tư và hoàn tiền hỗ trợ ngân sách tỉnh trước đây của doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp kiến nghị, cùng với việc dừng triển khai các dự án titan theo Nghị quyết 115 của Chính phủ, cần phải dừng việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và không tính tiền nộp phạt kể từ năm 2019 cho các doanh nghiệp. Thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch titan, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh diện tích chưa cấp phép thăm dò khai thác, bao gồm cả các khu vực đã được phê duyệt trữ lượng và một phần diện tích được cấp phép khai thác titan ra khỏi quy hoạch tại Quyết định số 1546/ 2013/QĐ/TTg, ngày 3-9-2013 của Thủ tướng Chính phủ và đưa vào khu vực quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia tại Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 6-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, đưa diện tích chưa cấp phép thăm dò trên 764 ha và diện tích đã được phê duyệt trữ lượng nhưng chưa cấp phép khai thác titan, trên 1.000 ha ra khỏi quy hoạch titan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 115 của Chính phủ, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, ổn định môi trường đầu tư của tỉnh, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tạm dừng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để doanh nghiệp dừng việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sau khi có quyết định điều chỉnh ra khỏi quy hoạch titan, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung diện tích được điều chỉnh ra ngoài quy hoạch vào khu vực quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia. Đối với đề nghị giải quyết đầu tư dự án năng lượng tái tạo của các doanh nghiệp, hiện nay diện tích quy hoạch titan chuyển đổi sang đầu tư dự án năng lượng là rất lớn (hơn 3.900 ha) do vậy Sở Công Thương cần rà soát, xác định quy mô công suất theo quy hoạch điện VII trên địa bàn tỉnh. Trường hợp đáp ứng yêu cầu thì chuyển hết sang đầu tư dự án năng lượng tái tạo; trường hợp không đáp ứng yêu cầu, cần xác định rõ vị trí diện tích, quy mô công suất phù hợp và ưu tiên cho các doanh nghiệp titan chuyển đổi đầu tư dự án năng lượng tái tạo. Đối với diện tích còn lại, đề nghị Chính phủ cho đầu tư dự án phát triển kinh tế-xã hội khác phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh. Nhà đầu tư mới được lựa chọn có trách nhiệm hoàn trả kinh phí đã đầu tư cho nhà đầu tư titan đối với phần diện tích được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư theo quy định pháp luật.