Thuận Nam được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp, với diện tích đất sản xuất trên 15.220 ha, thích hợp cho nhiều loại cây trồng. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Vài năm trở lại đây, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tuy có chuyển biến nhất định, nhưng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là canh tác manh mún, chuyển đổi cây trồng chưa bền vững, còn mang tính thời vụ. Trước tình trạng trên, huyện đề ra nhiều giải pháp khắc phục; trong đó, khâu then chốt là tập trung đào tạo, tập huấn, tổ chức hội nghị đầu bờ chuyển giao KH-KT vào sản xuất. Cùng với đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, đẩy mạnh áp dụng KH-KT trên diện rộng. Đây là một trong những định hướng, tiêu chí để huyện thực hiện có hiệu quả lộ trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nông dân xã Phước Ninh chuyển đổi cây trồng hiệu quả.
Thực tế cho thấy, 3 năm trở lại đây, tác động của biến đổi khí hậu gây không ít khó khăn cho sản xuất tại địa phương. Để tránh tình trạng bỏ hoang đất, huyện hỗ trở nông dân triển khai các mô hình canh tác cây trồng cạn có hiệu quả. Phát huy vai trò là đơn vị kết nối, liên kết với ngành chức năng đào tạo nghề cho nông dân dân, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động khảo sát thực tế, trên cơ sở đó, mở các lớp dạy nghề ngắn hạn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, các lớp tập trung chuyển giao KH-KT về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Sau các khóa học, hầu hết bà con đều áp dụng kiến thức tiếp thu được vào thực tiễn sản xuất. Chị Châu Thị Láng, ở thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh, chia sẻ: Tham gia lớp học, ngoài việc được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, học viên còn được thực hành ở ngoài thực địa, nên rất dễ tiếp thu. Từ kiến thức học được, với 3 sào đất trồng lúa, nhiều vụ canh tác không có lãi, đầu năm 2017, gia đình chuyển sang trồng đậu và ớt cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa trước đây…
Bên cạnh công tác đào tạo nghề, vai trò của khuyến nông huyện góp phần không nhỏ trong việc đưa KH-KT vào đồng ruộng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 tới nay, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp tổ chức triển khai 10 đợt tập huấn, với trên 500 lượt người tham gia về quy trình trồng bắp lai và sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn. Đáng chú ý, nhiều mô hình khuyến nông được triển khai thí điểm, bước đầu cho hiệu quả nhất định. Đơn cử, vụ đông-xuân 2018-2019, Trạm Khuyến nông huyện triển khai thử nghiệm mô hình trồng táo theo quy trình VietGAP, tại xã Phước Nam, với tích 3,5 sào. Sau hơn 3 tháng thực hiện mô hình, mặc dù thời tiết nắng hạn, nhưng táo vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến năng suất đạt khoảng 8 tấn/sào/vụ. Ngoài ra, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình khẳng định được giá trị kinh tế, tiêu biểu như: Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, ốc hương tại xã Phước Dinh, tưới tiết kiệm nước trên cây nho ở xã Phước Nam, cây ăn quả ở Phước Minh, Nhị Hà.
Thời gian tới, nhằm nâng cao khả năng ứng dụng KH- KT trong sản xuất, huyện Thuận Nam tiếp tục chú trọng đổi mới hoạt động tập huấn, gắn đào tạo nghề với hỗ trợ vốn vay để nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, tăng hiệu quả lao động, đảm bảo có thu nhập ổn định.
Hồng Lâm