Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp, ngoài xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, chuyển giao giống mới, điểm mới gần đây là Sở KH&CN đã tiến hành các thủ tục triển khai 1 nhiệm vụ và đã được phê duyệt danh mục dự án: “Ứng dụng tiến bộ KH&KT xây dựng mô hình ương nuôi giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa đạt năng suất và hiệu quả cao”. Các đề tài “Nghiên cứu giải pháp quản lý, phòng ngừa hiệu quả bệnh hại trên cây nha đam theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường đảm bảo đạt năng suất và chất lượng; đề tài “Chuyển giao nhân rộng quy trình nhân giống và thâm canh cây kiệu theo hướng an toàn tại huyện Ninh Sơn đã góp phần giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn.
Nông dân Ninh Phước đưa giống nho mới vào sản xuất đạt năng suất và chất lượng cao.
Theo đánh giá chung, từ đầu năm đến nay, các đề tài cấp quốc gia, cấp tỉnh triển khai mới tập trung bám sát định hướng chỉ đạo của tỉnh là tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương để thực hiện những nhiệm vụ trong lĩnh vực KH&CN, nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu. Cụ thể, đề án Nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ để phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực có lợi thế của tỉnh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và công nghệ chế biến được coi là đúng với tinh thần Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh để thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bề vững. Phát huy vai trò cơ quan thường trực, Sở KH&CN làm tốt nhiệm vụ tham mưu xây dựng dự thảo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 4-5-2017 của Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Phối hợp với Bộ KH&CN hỗ trợ phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, xây dựng bộ dữ liệu điều tra cơ bản giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Tham mưu nhiệm vụ đặt hàng tư vấn lập đề án Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Thời gian tới, Sở KH&CN chú trọng triển khai công tác hỗ trợ thí điểm doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và cải tiến mẫu mã sản phẩm đặc thù, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4. Hỗ trợ ứng dụng quy trình kỹ thuật VietGAP vào sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; triển khai hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành KH&CN; dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn hóa, hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hoạt động đánh giá sự phù hợp năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nữa cần nhắc tới mà Sở KH&CN đã xây dựng kế hoạch để thực hiện đó là triển khai đề án “Truy xuất nguồn gốc 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh” (Nho, Táo, Măng tây xanh, Tỏi, Nha đam, Rong sụn, Tôm giống, Dê, Cừu, Nước mắm Cà Ná, Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Gốm Bàu Trúc). Đồng chí Phạm Thanh Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành (Sở KH&CN), cho rằng: Truy xuất nguồn gốc 12 sản phẩm đặc thù đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành chuỗi cung ứng toàn quốc, từ đó tạo niềm tin tưởng của khách hàng đối với các sản phẩm của vùng đất nắng gió Ninh Thuận. Quá trình thực hiện truy xuất nguồn gốc, đơn vị coi trọng hỗ trợ tem điện tử nhận diện hàng hóa cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Không dừng lại đó, với quyết tâm đưa KH&CN thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, định hướng từ nay đến cuối năm 2019 và những năm tiếp theo, Sở KH&CN ưu tiên triển khai, thực hiện các đề tài, dự án phục vụ phát trển những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, như: Năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Để đạt được mục tiêu, đơn vị đưa ra giải pháp tăng cường liên kết hợp tác về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có cơ chế hỗ trợ hợp lý.
Anh Tùng