Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2013 - 2018, toàn tỉnh có 12 quỹ TCNN ngoài ngân sách được thành lập với quy mô, tính chất và phạm vi hoạt động đảm bảo phù hợp, tuân thủ đúng các quy định. Nhìn chung, các quỹ TCNN ngoài ngân sách được đánh giá quản lý, bảo tồn nguồn vốn, nguồn thu, huy động vốn đúng quy định; là kênh tài chính, tín dụng hỗ trợ thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo và hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đối với Quỹ Bảo vệ môi trường từ khi thành lập đến nay chưa kiện toàn Hội đồng Quản lý quỹ, chưa thực sự đi vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định; Quỹ Phát triển đất mới thành lập năm 2018 hoạt động theo mô hình ủy thác cho Quỹ Đầu tư phát triển, nguồn ngân sách cấp còn hạn chế. Bên cạnh đó một số quỹ khác có tổ chức bộ máy nhưng không có kinh phí hoạt động…
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: D.M
Do đó, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo ban hành Quy định tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi tường địa phương; xem xét bổ sung nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm cho tỉnh và nâng lãi suất chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm bằng với lãi suất cho vay chương trình hộ mới thoát nghèo; sắp xếp, cơ cấu lại mô hình hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ; thống nhất phân cấp quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và quy định cụ thể mức thu, đối tượng bắt buộc thu nhằm đảm bảo thực thi nghĩa vụ nộp tiền chi trả cho dịch vụ cung ứng môi trường rừng. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Chính phủ có quy định rõ ràng địa vị pháp lý, mở rộng doanh mục đầu tư cho Quỹ Đầu tư phát triển nhằm tạo tính đồng bộ, thống nhất áp dụng chung cho hệ thống các quỹ này ở địa phương. Đối với Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh, UBND tỉnh kiến nghị cần tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và công tác phát triển đối tượng tham gia các loại bảo hiểm trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành rà soát lại các loại quỹ TCNN ngoài ngân sách do đơn vị mình quản lý, sử dụng; đồng thời tham mưu UBND tỉnh xác lập cơ chế quản lý đối với các quỹ xã hội đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước trên lĩnh vực đó. Đồng chí cũng giao Sở Tài chính và Sở Nội vụ tiếp tục rà soát tất cả các quỹ TCNN ngoài ngân sách đang hoạt động trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh về cơ chế vận hành, hiệu quả hoạt động nhằm đánh giá, xem xét mức độ cần thiết mở rộng hoặc giải thể.
Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo đối với các quỹ TCNN ngoài ngân sách do tỉnh quản lý nhằm giúp các quỹ này phát huy hiệu quả, hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm và góp phần giảm nghèo ở địa phương. Những ý kiến kiến nghị của UBND tỉnh, đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp đầy đủ và báo cáo Quốc hội xem xét, giải quyết.
* Cùng ngày, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh cũng có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh về nội dung trên.
Ảnh: P.Lâm
Diễm My-Lâm Anh