Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức người Việt
Lễ hội Đền Hùng-Giỗ tổ Hùng Vương là lễ hội lớn của dân tộc Việt Nam nhằm tưởng niệm mười tám đời vua Hùng. Theo thần tích và văn bia ở đền thì chính An Dương Vương Thục Phán đã cảm kích vì được Hùng Vương nhường ngôi nên sau khi Hùng Vương mất, An Dương Vương đã lên núi Nghĩa Lĩnh dựng đền thờ.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hay lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được thực hiện vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (quần thể di tích gồm Đền thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Mẫu Âu Cơ, Lăng mộ …) trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì.
Lễ hội Đền Hùng.Ảnh: T.L
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương-thờ cúng ông Tổ chung của cả nước, có lẽ hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam, đó là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc Việt Nam và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tiến trình lịch sử luôn là yếu tố nội sinh của văn hóa dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi. Con người có Tổ, có Tông, như cây có cội, như sông có nguồn”.
Với niềm tin thành kính tri ân công đức, từ hàng nghìn năm qua, các thế hệ người Việt đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm thiêng liêng, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Chính sự linh nghiệm của hồn thiêng, nơi đỉnh núi Nghĩa Linh đã lan tỏa, thổi hồn cho câu ca dao đi vào lịch sử:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non, vẫn nước non này ngàn năm!”
Lan tỏa trong đời sống đương đại
Lịch sử đã khắc ghi công lao các Vua Hùng đời nối đời sinh cơ dựng nghiệp, để đất Phong Châu xưa thành miền đất Tổ. Lịch sử Hùng Vương được ghi dấu từ những việc nhỏ nhất như dân cày ruộng, đi săn, đến những công trạng lẫy lừng trong công cuộc chiến chinh phục thiên nhiên, đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Đó còn là dấu ấn không thể phai mờ của những giá trị văn hóa truyền thống được hun đúc qua nhiều thế hệ. Mà cao nhất và quý nhất là tinh thần cố kết cộng đồng. Hai chữ “Đồng bào” vì vậy mà đã trở thành giá trị thiêng liêng.
Hiện cả nước có khoảng hơn 1.410 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có gần 330 cơ sở thờ cúng Hùng Vương. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều nơi, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng thờ cúng Hùng Vương.
Cùng với đồng bào trong nước, từ bao năm nay, người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn thành tâm hướng về nguồn cội. Nhưng không phải ai cũng vinh hạnh được về dự ngày Giỗ Tổ ở quê nhà. Vì vậy, việc tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ở nước ngoài để bà con có dịp hướng về với cội nguồn dân tộc là nhu cầu hết sức cần thiết.
Đó là lý do vì sao ý tưởng tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của xã hội với mong muốn trở thành ngày đại đoàn kết dân tộc và tôn vinh giá trị Việt, để người Việt khắp 5 châu không quên tổ tiên của mình, bắt tay nhau, hướng về nguồn cội. Và Lễ giỗ Tổ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ theo chân những người con đất Việt tỏa đi khắp 5 châu, mang theo những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, ẩm thực, đặc biệt là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên... đến với cộng đồng, góp phần làm cầu nối giữa bà con Việt kiều với đồng bào trong nước.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019 có nhiều nét mới
Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2019 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 12 đến 14-4-2019 (tức mùng 8 đến 10-3-2019) do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì với sự tham gia góp giỗ của 3 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Nghệ An và Sơn La.
Năm nay, các hoạt động phần lễ diễn ra trong thời gian Lễ hội gồm nhiều hoạt động chính như: Lễ giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6-3 âm lịch; Lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”; Lễ rước kiệu về đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức… Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, sẽ được tổ chức vào sáng 10-3 năm, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Cùng với phần lễ, phần hội bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú như: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố, chương trình nghệ thuật, bắn pháo hoa; liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ; trưng bày hiện vật khảo cổ về sự ra đời, phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại khu di tích lịch sử Đền Hùng… Ngoài ra còn có thi gói bánh chưng, giã bánh dầy; các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh tham gia biểu diễn; các hoạt động thể thao như bóng chuyền nam, giải vợt truyền thống, cờ tướng, vật dân tộc, bắn nỏ, hội thi bơi chải trên sông Lô; Hội chợ Hùng Vương và Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương năm 2019...
Điểm nhấn trong Lễ hội năm nay, tỉnh Phú Thọ vẫn tiếp tục tuyên truyền, quảng bá về di sản Hát Xoan ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bằng hoạt động tổ chức trình diễn Hát Xoan làng cổ tại thành phố Việt Trì.
Theo TTXVN