Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Kế hoạch số 1334/KH-UBND ngày 12/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 321/QĐ-UBND ngày 02/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Thuận; Thông tư 133/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước; ngày 22 tháng 01 năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 295/UBND-TH về việc đồng ý triển khai diện rộng dịch vụ công trực tuyến KBNN, từ ngày 01 tháng 02 năm 2018.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Ninh Thuận, mặc dù đã tổ chức thông tin tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án (gọi chung là đơn vị dự toán) cấp tỉnh triển khai đăng ký thực hiện giao dịch chi ngân sách nhà nước thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, qua hơn 12 tháng triển khai (01/02/2018-28/02/2019), số lượng đơn vị dự toán đăng ký và thực hiện gửi hồ sơ chứng từ trực tuyến qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước còn rất ít (có 13 đơn vị thực hiện, chỉ đạt 5% tổng số đơn vị dự toán; số hồ sơ giao dịch trực tuyến rất thấp 2.503 hồ sơ, chiếm khoảng 2% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận tại Kho bạc).
Nguyên nhân chủ yếu được đánh giá là: (1) Các đơn vị dự toán đang thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy và công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); (2) một số đơn vị dự toán còn gặp khó khăn về trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin, chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất để tham gia dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước; (3) Thủ trưởng một số đơn vị dự toán chưa quan tâm, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng và lợi ích của việc thực hiện giao nhận hồ sơ, chứng từ qua dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước; (4) do điều kiện đặc thù nên đơn vị đã có văn bản gửi Kho bạc chưa đăng ký tham gia; (5) một số đơn vị dự toán ngại thay đổi thói quen cũ, vẫn muốn giao dịch trực tiếp tại Kho bạc…
Để tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước trong lĩnh vực chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình triển khai của Chính phủ và Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh:
a) Quan tâm, đánh giá đúng tầm quan trọng và lợi ích của việc thực hiện giao nhận hồ sơ, chứng từ qua dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước, xác định đây là dịch vụ công đem lại lợi ích thiết thực cho đơn vị mình nhằm giảm thời gian, chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần chung tay cải cách hành chính;
b) Có kế hoạch trang bị đủ điều kiện cần thiết về hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị cần thiết để thực hiện đăng ký và kê khai hồ sơ, chứng từ thanh toán trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước. Bảo đảm đường truyền có kết nối internet, máy tính, máy scan… hoạt động ổn định phục vụ cho việc giao nhận hồ sơ, chứng từ qua dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước;
c) Chỉ đạo, quán triệt các đơn vị trực thuộc sẵn sàng tham gia thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến theo tiến độ triển khai.
2. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
a) Quan tâm, chỉ đạo thủ trưởng các phòng, ban trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ tương tự quy định đối với Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh tại Mục 1 Chỉ thị này.
b) Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu bố trí kinh phí cho các đơn vị dự toán cấp huyện, xã nâng cấp hạ tầng truyền thông, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tham gia dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước (nếu có nhu cầu).
3. Sở Tài chính:
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho các đơn vị, địa phương trong khả năng cân đối ngân sách địa phương để mua sắm trang thiết bị cần thiết và nâng cấp hạ tầng truyền thông đáp ứng yêu cầu tham gia hệ thống dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước.
4. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Quản lý việc đăng ký, sử dụng chứng thư số của các đơn vị dự toán theo đúng quy định tại Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
b) Theo dõi, đánh giá tiến độ và quá trình sử dụng chứng thư số của các đơn vị dự toán; thường xuyên có thông báo cảnh báo về ấn đề an ninh mạng, những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sử dụng mạng internet, hạ tầng truyền thông địa phương vào việc vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước.
c) Phối hợp với Kho bạc Nhà nước Ninh Thuận hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị dự toán trong quá trình vận hành hạ tầng truyền thông và xử lý vướng mắc phát sinh.
5. Kho bạc Nhà nước Ninh Thuận:
a) Thông báo cho đơn vị dự toán biết và tham gia dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn; thông báo trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Thuận, các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các đơn vị dự toán thấy được lợi ích khi thực hiện thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước;
b) Kịp thời hỗ trợ các đơn vị dự toán trong quá trình đăng ký, sử dụng, kê khai hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến Kho bạc Nhà nước, nhất là khi phát sinh khó khăn, vướng mắc, lỗi đường truyền, hệ thống…;
c) Đảm bảo quá trình tiếp nhận hồ sơ, chứng từ thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước kịp thời, an toàn, hiệu quả; có hệ thống hạ tầng truyền thông đủ mạnh mạnh, đảm bảo thông suốt, hệ thống thanh toán bảo mật;
d) Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các huyện, thành phố chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thành phố các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ đăng ký thực hiện dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước theo nội dung mục 2 trên đây;
đ) Định kỳ, đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo;
e) Ban hành kế hoạch, lộ trình thực hiện đối với từng ngành, từng địa phương cho phù hợp; định kỳ hàng quý hoặc đột xuất phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông và các cơ quan liên quan báo cáo đánh giá, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Tổng hợp kết quả thực hiện cả năm 2019 báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Nội vụ để làm căn cứ xem xét đánh giá cải cách hành chính và thi đua năm 2019. Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất ngày 12-11-2019.
6. Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:
Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước Ninh Thuận thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về kết quả triển khai đăng ký giao dịch chi ngân sách nhà nước qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước. Đưa nội dung này vào phần phát sóng, chuyên mục về cải cách hành chính, tăng thời lượng thông tin, phát sóng.
7. Tổ chức thực hiện:
Thời gian thực hiện: Trong năm 2019.
Chậm nhất đến hết tháng 10-2019 hoàn thành việc đăng ký và chính thức áp dụng hình thức gửi chứng từ, hồ sơ giao dịch chi ngân sách nhà nước qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ảnh về Kho bạc Nhà nước Ninh Thuận để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giải quyết.