Qua 10 năm thực hiện, nhất là từ khi triển khai Ðề án 30 (tháng 7-2008), chương trình cải cách thủ tục hành chính (CCHC) đã tạo được sự chuyển biến tích cực, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, tiến tới thực hiện công tác CCHC theo hướng toàn diện, hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước.
Cán bộ văn phòng một cửa xã Thanh Hải tiếp nhận, giải quyết nhanh gọn
thủ tục hành chính của công dân. Ảnh: Sơn Ngọc
Trong năm 2010, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực CCHC, đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt những nội dung trong chương trình CCHC. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn và huyện, thành phố đã xây dựng và áp dụng cơ chế “một cửa” với hàng trăm bộ thủ tục được áp dụng. Nhiều sở, ngành đã thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” vào giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Với mục tiêu công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục giúp người dân, doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong giao dịch hành chính, mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông" ở nhiều đơn vị đã tạo được sự đồng thuận và hài lòng đối với người dân, doanh nghiệp. Không chỉ xây dựng được một cơ chế tiếp nhận, xử lý và trả kết quả nhanh gọn mà thời gian giải quyết các thủ tục ở bộ phận “một cửa” cũng được rút ngắn so với trước đây. Với việc cải cách mạnh mẽ, mỗi đơn vị đã tạo được một điểm nhấn riêng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư với cơ chế “một cửa liên thông" tại Văn phòng phát triển kinh tế (EDO) trong lĩnh vực đầu tư đã làm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh khá hài lòng khi đến giao dịch hành chính. Để thực hiện phương châm “doanh nghiệp đồng hành cùng ngành Thuế”, thời gian qua, ngành Thuế tỉnh đã cải cách hàng loạt nội dung như cấp mã số thuế, đăng ký thuế, in hóa đơn… theo hướng có lợi cho doanh nghiệp…Đến nay, có 90 cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế “một cửa” (17 sở, 6 huyện, thành phố; 63 xã, phường, thị trấn và 4 cơ quan thuộc ngành dọc Trung ương: Công an, Thuế, Kho bạc, Bảo hiểm xã hội). Từ năm 2007, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án thí điểm cơ chế “một cửa liên thông” trên lĩnh vực đất đai, người có công với cách mạng tại 15 xã, phường thuộc Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Năm 2008, UBND tỉnh quyết định nhân rộng cơ chế “một cửa liên thông” ra 6 huyện và 63 xã, phường, thị trấn.
Liên quan đến lĩnh vực này, trong năm 2010, một vấn đề được xem là “đột phá” quan trọng đó là việc thực hiện Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nếu giai đoạn từ năm 2001-2008 đã chủ động thực hiện rà soát 887 quy trình, thủ tục hành chính trên các lĩnh vực: đầu tư, đăng ký kinh doanh, xây dựng, đất đai, thuế, nội vụ ... trên cơ sở rà soát đã bãi bỏ 134 quy trình, thủ tục không còn phù hợp, giữ nguyên 272 quy trình, thủ tục và điều chỉnh 241 quy trình, thủ tục để tiếp tục thực hiện, ban hành mới 240 quy trình, thủ tục trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng nhà ở, hộ tịch-hộ khẩu,…thì từ cuối năm 2008-2010, UBND tỉnh tiếp tục triển khai rà soát thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ đúng tiến độ và quy trình quy định. Kết quả, đã thống kê 1.102 thủ tục, trong đó: số lượng thủ tục hành chính kiến nghị giữ nguyên là 323 (chiếm 29%); số lượng thủ tục hành chính có kiến nghị đơn giản hóa là 779 (chiếm 71%), vượt chỉ tiêu đơn giản hóa của Chính phủ giao. Hiện tại tỉnh đang chỉ đạo thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Đề án 30.
Ngoài lĩnh vực thủ tục hành chính công, hàng loạt lĩnh vực khác nằm trong chương trình cải cách tổng thể của Chính phủ như: cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước cũng đã được các cấp, ngành thực hiện và đạt những kết quả nhất định. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 giai đoạn 2006-2010. Đến nay, đã có 40 cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện và áp dụng…
Trong những năm tới, để thực hiện toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại Chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ giai đoạn 2011-2020, tỉnh ta đề ra các giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và công tác chỉ đạo điều hành của UBND các cấp; tạo sự thống nhất, quyết tâm cao về quan điểm, nội dung, cách làm giữa cấp ủy và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các chương trình về công tác CCHC. Thực hiện CCHC theo phương châm “từ trong ra ngoài, từ trên xuống” đảm bảo chỉ đạo thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, các đoàn thể nhân dân và trong toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC ở phạm vi cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Chọn chủ đề và phân kỳ hàng năm nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC đề ra.
Xuân Bính