Đối với học sinh thuộc các vùng thành thị, điện thoại là lựa chọn của nhiều phụ huynh để liên lạc hay quản lý con mình. Điện thoại cũng phát huy tác dụng khi các em sử dụng liên lạc, trao đổi thông tin, bài vở cho nhau ngoài giờ lên lớp, giúp giáo viên liên lạc với học sinh khi có những thông báo đột xuất.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Em Thành Chung, học sinh lớp 12 ở Tp. Phan Rang – Tháp Chàm cho biết, em sử dụng điện thoại từ năm lớp 8. Đến bây giờ, nó trở thành một phương tiện liên lạc không thể thiếu được. Mỗi lần đi đâu quên điện thoại ở nhà hoặc điện thoại hết pin là cảm giác rất khó chịu… Điện thoại là phương tiện để trao đổi, liên lạc không thể thiếu bên mình, đó cũng là chia sẻ chung của rất nhiều học sinh. Nhưng việc dùng điện thoại quá nhiều, sai mục đích… sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc học và lối sống của các em?
Điện thoại làm mất tập trung học tập
Quy định của hầu hết các trường học hiện nay là chỉ cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Vì thế, nhiều học sinh vừa nghe trống giải lao là đụng đến điện thoại để tha hồ nhắn tin, nói chuyện. Thời gian nghỉ giữa tiết để thư giãn, xem lại bài vở trở thành thời gian để nhắn tin, nói chuyện hoặc sử dụng điện thoại chơi game, lướt web… Ngọc Hà, học sinh lớp 12 cho biết: “Giờ ra chơi, lớp em mỗi bạn một góc để nghe điện thoại hoặc nhắn tin, thậm chí có bạn đang nhắn tin dở nên vào tiết vẫn lén lút để điện thoại trong ngăn bàn để nhắn tiếp.” Dọc theo hành lang, ban công, ghế đá trường học giờ ra chơi, dễ dàng thấy hàng loạt học sinh say sưa dán mắt vào màn hình điện thoại. Rất nhiều em thay vì những trò chơi sinh hoạt tập thể, nói chuyện cùng bạn bè… thì lại tranh thủ “ôm” điện thoại nhắn tin, chơi game, lướt web…
Ở trường đã vậy, khi về nhà các em còn sử dụng điện thoại tự do hơn. Nhiều phụ huynh phàn nàn, con họ nói chuyện điện thoại cả tiếng động hồ hay ngay cả giờ ăn cũng chăm chú vào chiếc điện thoại. Em Thanh V., học sinh trường THPT Lê Quý Đôn tâm sự: “Nói chuyện điện thoại cũng nghiện đấy. Tụi em ngày nào cũng gặp nhau trên lớp nhưng về nhà vẫn có thể “buôn” cả tiếng đồng hồ, những chuyện không đâu vào đâu nhưng mà vui, nhất là những đợt có khuyến mãi cuộc gọi thì nói chuyện vô tư”. Chị Hạnh, phụ huynh học sinh lớp 12 thì thở dài: “Nó ôn thi mà lúc nào cũng kè kè cái điện thoại. Ngồi học, điện thoại để ngay trước mặt, vài phút lại bấm, lại nhìn màn hình…”
Những tác hại xấu hơn
Không dừng lại ở việc để liên lạc, tiêu chí chọn điện thoại của học sinh hiện nay còn phải: sành điệu, thời trang, nhiều tiện ích. Chiếc điện thoại chỉ để nghe, gọi, nhắn tin cho nhau đã quá lỗi thời, mà phải quay phim, tốc độ lướt web, xem truyền hình… Cuộc chạy đua điện thoại diễn ra trong từng nhóm bạn, lớp học, chủ yếu tập trung vào những học sinh gia đình giàu có và cũng có những học sinh đua đòi theo bạn bè dù ba mẹ phải nhọc nhằn, vật vả từng ngày.
Ảnh hưởng từ ngôn ngữ trên chát chít, nhắn tin điện thoại, nhiều học sinh nói chuyện với nhau theo kiểu cộc lốc, dùng từ ngữ khó hiểu thậm chí là viết tắt ngay cả với bài vở của mình. Dưới đây là lời chúc mừng sinh nhật của một học sinh trên điện thoại: “Buzz!!Ten..ten..!-!@ppY b!R+!-! D@Y... Lun mim cuoi nko?Ckuc c may man & tkak cong. SN ak jn jt tkui na. t iu c lem...”. Với cách viết tắt như vậy, chắc có lẽ chỉ có người viết ra mới hiểu được nó. Và khi cách viết ấy xuất hiện trong những trang vở, bài học của học sinh thì thử hỏi, còn đâu sự trong sáng của tiếng Việt.
ĐTDĐ ngày càng có những ứng dụng hiện đại. Không cần máy tính vẫn có thể lướt web, chơi game, xem phim…. Điều này đã ảnh hướng không nhỏ tới việc học và cả lối sống của học sinh khi nhiều em nghiện game, nghiện web hơn cả học. Một số phụ huynh đã sai lầm khi nghĩ rằng, cấm con chơi game trên máy tính mà lại sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thoại không giới hạn của con. Ảnh hưởng từ những trò chơi trên điện thoại cũng không thua gì trò chơi trực tuyến trên máy tính.
Văn hóa điện thoại
Để quán triệt tình trạng học sinh sử dụng điện thoại làm ảnh hưởng đến việc học, nhiều trường cấm sử dụng điện thoại trong khuôn viên nhà trường. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp tốt bởi ĐTDĐ là phương tiện liên lạc cần thiết nhất là với những học sinh nội trú, sống xa gia đình. Và bên cạnh những học sinh sử dụng quá đà, sai mục đích thì cũng rất nhiều em biết dùng đúng cách, phát huy được tác dụng của điện thoại.
Phải trả lời điện thoại, tin nhắn quá nhiều, Thảo Nhi, học sinh lớp 12, quyết định ngừng sử dụng ĐTDĐ trong thời gian ôn thi tốt nghiệp và đại học. Nhi nói: “Bạn bè thường nhắn tin hỏi thăm đủ chuyện, không trả lời bị nói là “chảnh”, là “khinh người” mà trả lời nhiều thì không tập trung để học. Thời gian ôn thi nếu có việc cần em liên lạc bằng số điện thoại bàn của nhà. Sau khi đỗ đại học em mới sử dụng tiếp.”
Để tránh bị ảnh hưởng của ĐTDĐ đến việc học, Đặng Hùng, học sinh lớp 10 cũng đưa ra một phương án: “Em cũng không có nhiều cuộc gọi quan trọng trừ bố mẹ, thầy cô… vì vậy, hạn chế cho số là tốt nhất. Ngoài ra khi học, kể cả ở nhà hay trên lớp em đều tắt máy.”
ĐTDĐ là sản phẩm của văn minh nhân loại, của tiến bộ kỹ thuật vì vậy người sử dụng nó cũng nên thể hiện được văn hóa, phát huy đúng tác dụng của nó. Trong trường học, quy định không chỉ nên áp dụng với học sinh mà ngay các thầy cô giáo cũng phải nghiêm túc chấp hành. Chỉ sử dụng điện thoại khi thật sự cần thiết, có thể để liên lạc hoặc cũng có thể giải trí khi quá căng thẳng nhưng biết dừng lại đúng lúc, và có cách kiềm chế… đó cũng là ý kiến của nhiều thầy cô và học sinh về ĐTDĐ hiện nay.
Bích Thủy