Quy trình chấm thi THPT quốc gia 2019: Mã hóa bài thi trắc nghiệm để hạn chế gian lận

Rút kinh nghiệm từ các vụ tiêu cực tại kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2018, đặc biệt xảy ra trong quá trình chấm thi, năm nay, bài thi trắc nghiệm sẽ được mã hóa trước khi chấm. Toàn bộ quá trình chấm thi đều có sự giám sát chặt chẽ của camera.

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD&ĐT), quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín, được mã hóa, do Bộ GD&ĐT cấp khóa giải mã.

Quy trình chấm bài thi trắc nghiệm được đưa ra tại Quy chế thi THPT Quốc gia và hướng dẫn chi tiết trong Phụ lục số 5, Hướng dẫn quy trình chấm bài thi trắc nghiệm ban hành kèm theo công văn số 1209/BGDĐT-QLCL ngày 27/3/2019 của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Việc chấm trắc nghiệm phải thực hiện trong khu vực khép kín, được lực lượng
công an bảo vệ 24/24 giờ. Ảnh: L.S/Báo Tin tức

Việc chấm trắc nghiệm phải thực hiện trong khu vực khép kín được lực lượng công an bảo vệ 24/24 giờ. Ngoài các cán bộ chấm thi, khu vực thi luôn có thanh tra và công an giám sát từ khi mở niêm phong túi đựng bài thi trắc nghiệm đến khi kết thúc chấm; không được phép đem theo bút chì, tẩy vào khu vực chấm thi, không sửa chữa, thêm bớt vào bài thi trắc nghiệm của thí sinh với bất kỳ lý do gì.

Camera giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm đảm bảo bao quát được toàn bộ các hoạt động trong phòng. Camera phải có bộ lưu điện dự phòng, đảm bảo camera hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới, dung lượng lưu trữ dữ liệu của camera tối thiểu là 21 ngày, ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ của camera được niêm phong và được Giám đốc Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm bảo quản, lưu trữ trong thời gian ít nhất là 1 năm.

Cán bộ chấm thi và cán bộ làm nhiệm vụ khác trong phòng để điện thoại và vật dụng cá nhân không được phép mang vào phòng chấm thi theo quy định ở các tủ, thùng bên ngoài phòng chấm thi.

Các bước chấm thi diễn ra như sau:

Bước 1: Nhận bài thi từ Hội đồng thi

Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm nhận các túi bài thi từ Hội đồng thi trong tình trạng nguyên niêm phong của Điểm thi.

Bước 2: Quét phiếu trả lời trắc nghiệm

Phiếu trả lời trắc nghiệm được quét theo từng phòng thi.

Thư ý cắt miệng túi bài thi, kiểm đếm Phiếu trả lời trắc nghiệm đối chiếu với số Phiếu trả lời trắc nghiệm ghi trên túi bài thi và Phiếu thu bài. Sau đó, Phiếu trả lời trắc nghiệm được chuyển cho cán bộ kỹ thuật nạp vào máy quét. Quét xong phiếu trả lời trắc nghiệm của túi nào, Phiếu trả lời trắc nghiệm được thư ký kiểm đếm, đóng lại túi đó và niêm phong theo quy định.

Toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) được ghi thành 3 đĩa CD hoặc DVD, 1 đĩa chuyển về Bộ GD&ĐT, 1 đĩa chuyển cho Chủ tịch Hội đồng chấm thi và 1 đĩa giao cho Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ.

Bước 3: Nhận dạng ảnh quét

Phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ thực hiện chuyển dữ liệu ảnh bài làm của thí sinh thành kết quả dưới danng từ ảnh quét được sang văn bản text đã được mã hóa.

Tiếp tục xuất dữ liệu toàn bộ phần dữ liệu đã nhận dạng (dạng văn bản đã mã hóa) và ghi 3 đĩa CD hoặc DVD, 1 đĩa chuyển về Bộ GD&ĐT, 1 đĩa chuyển cho Chủ tịch Hội đồng chấm thi và 1 đĩa giao cho Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ.

Bước 4: Sửa lỗi

Nếu phát hiện lỗi, cán bộ kỹ thuật trực tiếp dùng chức năng sửa lỗi kỹ thuật của Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm để tiến hành sửa lỗi kỹ thuật của bài thi.

Sau khi sửa xong tất cả các lỗi kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật in tất cả các biên bản sửa lỗi giao cho Trưởng Ban Chấm phúc khảo.

Xuất toàn bộ dữ liệu đã nhận dạng sau khi sửa lỗi (dạng văn bản đã mã hóa) và ghi ra 3 đĩa CD hoặc DVD, 1 đĩa chuyển về Bộ GD&ĐT, 1 đĩa chuyển cho Chủ tịch Hội đồng chấm thi và 1 đĩa giao cho Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ.

Bước 5: Chấm điểm

Sau khi thực hiện xong các bước trên, Hội đồng thi mới được mở niêm phong Đĩa dữ liệu đáp án do Bộ GD&ĐT cung cấp để chấm điểm.

Nạp dữ liệu chấm từ Đĩa dữ liệu vào Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm để chấm điểm. Thực hiện chức năng chấm điểm của Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm.

Xuất toàn bộ dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức (đã mã hóa) từ Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm và ghi ra 3 đĩa CD hoặc DVD, 1 đĩa chuyển về Bộ GD&ĐT, 1 đĩa chuyển cho Chủ tịch Hội đồng chấm thi và 1 đĩa giao cho Trưởng Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ. Việc này được thực hiện dưới sự chứng kiến của Tổ giám sát, công an và phải lập biên bản.

Như vậy, để tránh những sai sót mang tính con người, mọi thao tác quét ảnh bài thi cho đến chấm thi trắc nghiệm, nhập kết quả thi đều được thực hiện trên Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm với chu trình khép kín. Phần mềm có phân quyền người sử dụng để tách biệt chức năng và phân công theo quy trình chấm. Tất cả thao tác của người sử dụng đều được phần mềm ghi lại và có thể trích xuất dữ liệu khi cần.

Dữ liệu được sinh ra bởi phần mềm đều được mã hóa và chỉ có thể giải mã khi Bộ GD&ĐT cấp khóa giải mã. Dữ liệu xuất ra chỉ sử dụng để nhập vào hệ thống Quản lý thi và báo cáo Bộ GD&ĐT.

Đáng chú ý, khi đã xuất dữ liệu ra đĩa CD, các chức năng thực hiện bước chấm thi trước đó sẽ bị khóa lại. Trong trường hợp có xảy ra sự cố, cần phải lùi về tiến trình chấm thi trước đó, chỉ có Bộ GD&ĐT mới được quyền cấp phép.

Với sự tham gia giám sát của camera giám sát 24/24 giờ, cán bộ thanh tra và công an sẽ tham dự trực tiếp vào khâu cuối cùng là khâu chấm điểm của công tác chấm thi.

Theo TTXVN/Báo Tin tức