Trách nhiệm không của riêng ai
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học, Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện cả nước có khoảng 4.000 trường học có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh.
Thế nhưng hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm... liên tiếp xảy ra trong môi trường giáo dục đang trở thành tâm điểm của dư luận khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm.
Theo TS Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền Thông (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, ở các vụ ngộ độc tại trường học, số trẻ bị mắc khá đông, hơn nữa các em còn nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Dinh dưỡng đóng vai trò quyết định đối với việc nâng cao thể lực, trí tuệ cho con người. Tại các trường học tổ chức bán trú, vấn đề ATTP trong bữa ăn cho học sinh càng trở nên quan trọng, nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, giúp trẻ em có sức khỏe tốt, phát triển đầy đủ về đức, trí, thể, mỹ. Vì thế, với các bậc phụ huynh, bên cạnh việc học thì chuyện con ăn uống, nghỉ ngơi ở trường như thế nào luôn là mối quan tâm hàng đầu. Đặc biệt, trong bối cảnh bệnh dịch và ATTP đang là câu chuyện thời sự, chất lượng bữa ăn bán trú ở trường học… lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Do đó, các khâu kiểm soát nguồn gốc, ý thức thực hành trong chế biến, vệ sinh dụng cụ chứa đựng thực phẩm… là những phần việc phải làm thật tốt, nghiêm ngặt theo đúng quy trình.
Cùng với đó trong công tác quản lý, việc hết sức quan trọng là phải phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp hiệu quả giữa các cấp, ngành để từ đó luôn có sự thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện sai phạm, đồng thời cảnh báo công khai các loại thực phẩm không an toàn, những đơn vị thiếu uy tín trong cung cấp thực phẩm. Đặc biệt, công tác quản lý của cơ quan chức năng phải minh bạch, xử lý nghiêm những vi phạm, luôn đặt vấn đề bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe của các em học sinh lên hàng đầu.
Đặc biệt, trách nhiệm phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh về bảo đảm ATTP bữa ăn học đường phải ngày càng chặt chẽ. Trong đó, việc chủ động công khai thực đơn, đơn vị cung ứng thực phẩm cần được thực hiện bằng nhiều biện pháp như trên trang thông tin điện tử của nhà trường (nếu có), thông báo định kỳ, thường xuyên bằng văn bản để ban đại diện phụ huynh học sinh biết và giám sát. Như vậy vai trò giám sát của phụ huynh cũng được tăng cường. Các bậc phụ huynh phối hợp với nhà trường kiểm soát giá thành, chi phí thực của bữa ăn học đường liên quan nguồn gốc thực phẩm của các đơn vị cung cấp, yêu cầu xuất trình đầy đủ giấy tờ truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại thời điểm cung cấp, lưu mẫu thực phẩm đúng quy định tại các bếp ăn trong trường học, để các cơ quan chuyên môn kiểm tra khi cần thiết.
Bởi vậy có thể nói chất lượng ATTP trong các trường học liên quan cả quá trình từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, nên đòi hỏi có tính liên ngành cao và là công việc đòi hỏi trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh, ATTP trong các cơ sở giáo dục.
Các biện pháp nâng cao an toàn thực phẩm trong trường học
Việc triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP trong trường học không phải là mới. Nhưng trong thời điểm hiện nay, để đảm bảo vệ sinh ATTP trong bữa ăn của học sinh vùng có dịch, nhiều giải pháp cấp bách để chất lượng bữa ăn của các em không bị ảnh hưởng đã được triển khai. Điển hình tại Hà Nội, nhiều quận, huyện trên địa bàn đã tăng cường công tác kiểm tra, tập huấn kỹ năng đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học nhằm đảm bảo ATTP cho học sinh.
Trong đó, trong khâu chế biến thực phẩm, các trường thực hiện mô hình bếp ăn dinh dưỡng một chiều, với khu vực tiếp nhận, sơ chế thực phẩm tươi sống và khu vực chế biến, chia khẩu phần ăn được bố trí tách biệt để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực đơn món ăn được lên lịch theo tuần, thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày theo quy định. Nhà trường có hồ sơ quản lý công tác ATTP chặt chẽ; Ban giám hiệu kiểm tra, giám sát bếp ăn hàng ngày.
Các trường thực hiện ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với các đầu mối có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận đảm bảo ATTP của Trung tâm y tế thành phố. Bên cạnh đó, các bếp ăn tập thể tại trường học đều có hợp đồng nấu ăn cho học sinh với nhân viên cấp dưỡng được đào tạo chứng chỉ nghề nấu ăn. Đặc biệt, để học sinh có bữa ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, trước và trong năm học, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đều duy trì việc phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật về ATTP cho đội ngũ cán bộ quản lý và phụ trách bếp ăn của các cơ sở giáo dục về các nội dung như Luật ATTP; quy định lưu mẫu thức ăn trong các bếp ăn tập thể; quy định thực hiện “Bếp ăn một chiều”; cách thức quản lý các loại hồ sơ, sổ sách liên quan và công tác quản lý bếp ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục.
Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra giám sát các trường học có tổ chức ăn bán trú định kỳ 6 tháng/lần, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận bếp ăn đảm bảo ATTP; tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành về ATTP nhằm chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm công tác an toàn thực phẩm trường học. Phối hợp chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức ATTP và các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền qua thực phẩm trong các trường học.
Hơn lúc nào hết, vì sức khỏe toàn dân, vì tương lai giống nòi, điều tất cả chúng ta mong mỏi là duy trì tốt việc tiếp cận, sử dụng thực phẩm sạch, những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Do đó, việc vận hành các bếp ăn tập thể và cung cấp suất ăn ATTP ở các trường học không phải là câu chuyện của riêng ai, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội.
Theo TTXVN