Tham dự kỳ thi, học sinh sẽ làm 3 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Lịch thi cụ thể như sau: Ngày 24-6, sáng: Họp cán bộ làm công tác coi thi tại điểm thi; chiều 14 giờ thí sinh (TS) đến phòng thi làm thủ tục dự thi.
Ngày 25-6, sáng các TS thi Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút; chiều thi Toán, thời gian làm bài 90 phút.
Ngày 26-6, sáng các TS làm bài thi Khoa học Tự nhiên (Vật lý: 50 phút, Hóa học: 50 phút, Sinh học: 50 phút), chiều thi Ngoại ngữ (60 phút).
Ngày 27-6, sáng các TS sẽ làm bài thi Khoa học Xã hội (Lịch sử: 50 phút, Địa lý: 50 phút và Giáo dục công dân: 50 phút).
Năm nay, việc chấm thi các môn trắc nghiệm sẽ do Bộ GD&ĐT chủ trì, giao các trường ĐH, CĐ tổ chức chấm, giám sát, đảm bảo an ninh. Công tác chấm thi các môn tự luận vẫn giao cho các địa phương chấm nhưng Bộ sẽ giám sát, đồng thời cử cán bộ của các trường ĐH, CĐ tham gia song hành nhằm triệt tiêu mọi tiêu cực có thể nảy sinh.
Về việc xét công nhận tốt nghiệp, năm nay Bộ GD&ĐT có bổ sung đối tượng được cộng điểm khuyến khích, bao gồm: Học sinh giáo dục THPT; học viên giáo dục thường xuyên (GDTX) trong diện xếp loại hạnh kiểm; học viên GDTX tham gia học đồng thời chương trình trung cấp kết hợp với chương trình văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp do Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp trong thời gian học THPT, được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong giấy chứng nhận nghề...
Năm nay, việc xét tốt nghiệp THPT cũng có sự điều chỉnh tỷ lệ điểm bài thi và điểm trung bình cả năm học lớp 12 để bảo đảm đúng tính chất của kỳ thi THPT quốc gia theo tỷ lệ 70% điểm bài thi và 30% điểm học bạ.
B.H