Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, hơn 80% dân số Việt Nam có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai. Những thiên tai có nguồn gốc KTTV thường gây ra những hậu quả hết sức nặng nề về người và tài sản, đẩy lùi thành quả phát triển của đất nước.
Đối với Ninh Thuận, là một tỉnh thuộc khu vực duyên hải cực Nam Trung bộ, do tác động của BĐKH, nên hằng năm phải thường xuyên gánh chịu những tổn thất nặng nề do thiên tai gây ra. Các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh bao gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn… Chỉ tính riêng trong vòng 10 năm trở lại đây, tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra là rất nghiêm trọng. Theo con số thống kê, đã có hơn 30 người thiệt mạng do thiên tai, gây thiệt hại tổng giá trị kinh tế khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó chủ yếu thiệt hại rơi vào những công trình trọng điểm như: Thủy lợi, giao thông... Đặc biệt nhất là, năm 2010, do xuất hiện trận mưa lũ lịch sử vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, con số người chết là 7 người và hàng loạt sự cố về đập xảy ra trong đợt lũ này, giá trị thiệt hại lên đến 1.112 tỷ đồng. Tình hình KTTV trong các năm 2015 - 2016 diễn biến có sự khác biệt, lượng mưa thiếu hụt nhiều, xuất hiện nhiều ngày nắng nóng hơn trung bình nhiều năm; trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua, giá trị thiệt hại trực tiếp cho nông nghiệp ước tính hơn 300 tỷ đồng. Năm 2017 là năm được ghi nhận là xuất hiện nhiều trận lũ nhất, hơn 30 trận. Năm 2018, lũ đặc biệt lớn xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh.
Thiết bị quan trắc tại Hồ Cho Mo (xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn) Ảnh:V.Nỷ
Tại địa phương, Đài KTTV tỉnh Ninh Thuận đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động hiệu quả. Đài đã được nâng cấp và phát triển hệ thống mạng lưới trạm đo trên địa bàn tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại đã có: 4 trạm điều tra cơ bản về khí tượng, thủy văn, hải văn; 12 trạm đo mưa tự động; 4 trạm đo mặn bán tự động và 12 trạm thủy văn, đo mưa chuyên dùng phục vụ phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, viên chức của Đài bao gồm: Dự báo viên, quan trắc viên, kỹ thuật viên, kiểm soát viên thường xuyên được học tập nâng cao trình độ; được đào tạo, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Các thành viên tích cực nghiên cứu khoa học tham gia các diễn đàn khoa học quốc gia, quốc tế và tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học thực hiện trên địa bàn tỉnh của các tổ chức như: Viện Khoa học KTTV, Viện Khoa học Thủy lợi, Đài KTTV khu vực Nam Trung bộ.
Đánh giá về hoạt động của Đài KTTV Ninh Thuận, mới đây tại buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục KTTV, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong những năm gần đây BĐKH đã tác động rõ rệt đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Thiên tai nói chung và hạn hán nói riêng đã ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng tới sự phát triển của địa phương. Chính vì vậy, thông tin KTTV là thực sự cần thiết. Trong những năm qua, ngành KTTV tại địa phương đã đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ phòng, chống thiên tai để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên phạm vi khu vực tỉnh Ninh Thuận.
Năm 2019, Đài KTTV tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình KTTV, đặc biệt là các hiện tượng KTTV nguy hiểm; dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác các hiện tượng thời tiết nhằm phục vụ cho công tác phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra tại Ninh Thuận; sẵn sàng công tác ứng trực 24/24 khi có thời tiết nguy hiểm xảy ra. Song song đó, Đài thường xuyên mời chuyên gia đầu ngành về khí tượng, thủy văn của Trung ương về để tư vấn, chuyển giao những phương pháp dự báo hiện đại, chính xác hơn. Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp, mô hình dự báo nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo tại địa phương. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, Đài KTTV tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”… qua đó, tạo sự chuyển biến về tư tưởng và hành động, khơi dậy tinh thần, trách nhiệm, sáng tạo trong công việc, yêu ngành, yêu nghề trong cán bộ công nhân viên chức, người lao động.
Đặng Thanh Bình