Dịch tả lợn không lây sang người
Trước tình hình dịch tả lợn đang lan rộng hiện nay, chất lượng thịt lợn được bán trên thị trường đang là mối lo ngại của người dân. Thậm chí, nhiều người ngần ngại, không ăn thịt lợn.
Trước những hoang mang, lo lắng của người tiêu dùng, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu đã khẳng định, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Do đó dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người.
Virus tả lợn châu Phi có đặc điểm là sống được rất lâu ở môi trường bình thường. Virus này có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày... Tuy nhiên virus này chịu nhiệt kém, chỉ tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.
Theo các chuyên gia, tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.
Do đó, các cơ quan chức năng phải lập hàng rào ngăn chặn, tuyệt đối không cho lợn chết, bệnh được đưa vào lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cũng phải cẩn trọng, tránh mua phải thịt lợn bị bệnh.
Cách phân biệt thịt lợn khỏe và thịt lợn bệnh
Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, thịt lợn khỏe an toàn sẽ có màu đỏ tự nhiên, mỡ sáng, da không có các đốm đỏ, thịt săn chắc; khi dùng tay ấn vào miếng thịt có độ đàn hồi tốt, không bị nhão, không bị rỉ nước.
Còn thịt lợn mắc bệnh hoặc thịt hư thường có lấm chấm xuất huyết trên da; tai lợn có thể bị tím; thịt lợn có màu lạ như nâu xám, đỏ thâm, xanh nhạt, có khi có đốm; chạm tay vào miếng thịt thấy độ đàn hồi kém và có cảm giác bị nhớt.
Trong trường hợp lợn bệnh được giết mổ chui và thịt bị xử lý tẩm ướp hóa chất, màu đỏ để tuồn ra thị trường, người tiêu dùng cũng có thể nhận biết được qua các biểu hiện sau: thịt bị ướp hóa chất, tẩm màu đỏ thường có màu đỏ tươi nhưng thịt bị cứng, không có độ đàn hồi. Khi cắt, miếng thịt lợn được ướp hoá chất sẽ nhũn, phía trong màu hơi thâm, có thể chảy dịch, và có mùi. Loại thịt đã bị tẩm ướp hoá chất khi rửa sẽ chuyển màu nhợt và có mùi tanh rất khó chịu, mỡ có màu vàng. Lúc nấu, nước thịt sẽ đục, mùi hôi, mỡ bề mặt tách thành những hình tròn nhỏ thay vì nổi váng lớn như thịt tươi.
Bên cạnh việc lựa chọn thịt lợn đảm bảo, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân nên mua thịt lợn được chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ ở những địa chỉ uy tín như: siêu thị, cửa hàng bán thịt sạch, các sạp trong chợ truyền thống, những người bán thịt lợn lâu năm đã có quan hệ, uy tín với người mua. Đồng thời, tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh hay các loại thực phẩm từ thịt heo chưa được chế biến kỹ.
Để đảm bảo vệ sinh thực phẩm, an toàn cho sức khỏe trong ăn uống, các chuyên gia về an toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân cần chế biến thịt đúng cách. Thịt lợn mua về nên rửa qua nước muối pha loãng. Cần rửa dụng cụ (dao, thớt) trước và sau khi chế biến thức ăn. Thực phẩm, thịt sống, chín không để lẫn lộn. Không nên chế biến thịt chín tái, đặc biệt, không bỏ thịt vào nước đang sôi vì sẽ khiến các chất hóa học dễ dàng bị hấp thụ ngược vào bên trong miếng thịt.
Người chăn nuôi cần thực hiện 5 không
Về phía người chăn nuôi, để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, các cơ quan chức năng khuyến cáo cần thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Tính đến ngày 16-3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 18 tỉnh, thành phố bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An và Bắc Ninh.
Các ổ dịch chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, tiêu hủy đàn lợn bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, lập các chốt kiểm dịch kiểm soát chặt việc vận chuyển lợn.
Theo TTXVN