Trên vùng đất khô hạn nắng nóng quanh năm rộng 62 ha ở xã Phước Hữu (Ninh Phước) trồng trọt kém hiệu quả trước đây, hiện giờ là nơi sản xuất điện mỗi năm cung cấp vào điện lưới quốc gia 74 triệu Kwh, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hôm nay, về Phước Hữu dễ dàng nhận thấy xen lẫn giữa vùng quê lúa là mênh mông những tấm pin mặt trời, tạo sức bật mới cho vùng “đất khó” chuyển mình vươn lên.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Bim 2, xã Phước Minh (Thuận Nam) đẩy nhanh
tiến độ thi công để hòa lưới điện quốc gia. Ảnh: V.M
Vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020, theo ghi nhận của chúng tôi, tỉnh nhà có sự đột phá lớn nhờ chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư những công trình, dự án trọng điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Còn 3 dự án: Nhà máy Điện mặt trời BIM 1, BIM 2 và BIM 3 (xã Phước Minh, Thuận Nam), công suất 280MWp của Công ty Cổ phần Năng lượng BIM đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để hòa lưới điện quốc gia, mở ra “trang mới” của ngành lợi thế được chọn làm khâu đột phá hàng đầu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Sự xuất hiện làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong vài năm gần đây cho thấy việc đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm không chỉ đơn thuần là khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng nắng gió cực Nam Trung Bộ mà còn thể hiện quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị trong chủ trương xây dựng tỉnh ta thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Có thể nói, trong năm 2018 và cả năm 2019 là những năm của điện gió và điện mặt trời, ngoài một số dự án đã và sắp đi vào hoạt động, thì còn có hàng chục dự án khác cũng đang chạy đua với thời gian, gấp rút thi công, phấn đấu hoàn thành vào tháng 9 tới.
Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Ảnh: A.Tuấn
Không riêng điện gió, điện mặt trời, một số dự án lớn, như: Hồ chứa nước Sông Than; hệ thống thủy lợi Tân Mỹ… cũng được triển khai đúng tiến độ, mà yếu tố then chốt dẫn đến thành công đó là tỉnh đã chỉ đạo làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng các công trình. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2018 các huyện, thành phố trong tỉnh đã bàn giao hơn 1.178 ha đất cho nhà đầu tư triển khai 38 dự án. Công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo tính công khai, minh bạch, lợi ích hài hòa, nên được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Gần về cuối nhiệm kỳ, vị thế của tỉnh càng được nâng lên, làn sóng đầu tư mới cùng với việc các ngành, các cấp, địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững đã hình thành thêm môt số công trình, dự án lớn. Mới đây, Tập đoàn Phát triển năng lượng Gulf (Gulf Energy Development) - Thái Lan đã làm việc với tỉnh đề xuất siêu dự án Điện khí LNG Cà Ná, mức đầu tư gần 8 tỷ USD. Trong đợt làm việc với UBND tỉnh ngày 13-3, Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đã báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Khôi phục tuyến Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt" với tổng dự toán hơn 17.200 tỷ đồng, cho thấy khát vọng vươn lên của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã được bồi đắp.
Nhân dân cả tỉnh càng tin tưởng hơn vào thắng lợi, khi hiện nay Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án một cách đột phá, như: Cảng biển nước sâu Cà Ná, Khu công nghiệp Cà Ná, Thủy đện tích năng Bác Ái, Đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn đi qua tỉnh ta) và các dự án du lịch biển có sức lan tỏa, tạo nền tảng phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Anh Tùng