Trong giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 14,9% đầu năm 2016 xuống còn 8,34% cuối năm 2018 (giảm 6,59%), bình quân giảm 2,19%/năm, vượt kế hoạch giao đầu kỳ là 1-1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện nghèo Bác Ái giảm 18,47%, bình quân giảm 6,15%/năm vượt kế hoạch đề ra (chỉ tiêu giảm 4%/năm). Các chương trình, dự án, các giải pháp chính sách an sinh xã hội đã đổi mới cách tiếp cận và mở rộng độ bao phủ, huy động được nhiều nguồn lực ổn định đời sống người nghèo. Tổng nguồn vốn huy động cho giai đoạn 2016-2018 trên địa bàn tỉnh hơn 198,1 tỷ đồng để đầu tư vào các chương trình, dự án giảm nghèo. Các địa phương, mặt trận đoàn thể có nhiều cách làm mới, sáng tạo, tập trung công tác giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm ở các hộ thiếu hụt các chiều tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; vận động xã hội giúp tạo việc làm, thoát nghèo bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới. Công tác xã hội hóa, việc tham gia công tác giảm nghèo ở địa phương được quan tâm thực hiện, nhất là việc huy động các doanh nghiệp hỗ trợ đã giúp các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo.
Nhóm Tuổi trẻ Cà Ná (Thuận Nam) vận động các nhà hảo tâm tặng quà cho các hộ nghèo. Ảnh: Văn Nỷ
Điển hình, tại Ninh Hải qua 3 năm thực hiện chương trình, hộ nghèo từ 2.024 hộ (tỷ lệ 7,86%) giảm xuống còn 755 hộ (tỷ lệ 2,76%), giảm 5,1% đạt 165% kế hoạch đề ra. Đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, cho biết: Đạt được kết quả trên, một trong những nhóm giải pháp chính, đó là địa phương tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vốn, nhà ở, y tế, giáo dục…đã giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Trong 3 năm, địa phương đã cấp 27.835 thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số… giúp hộ chính sách giảm gánh nặng chi phí về khám chữa bệnh; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 1.350 học viên học nghề lao động nông thôn; đưa 73 lao động đi làm việc ở nước ngoài; tạo điều kiện cho hơn 15.182 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn chính sách hơn 325,8 tỷ đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện thu nhập…đây là bước đệm quan trọng để hộ nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, từ đó người dân càng tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước.
Còn theo đồng chí Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hưởng ứng chương trình trên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giải pháp giảm nghèo. Đưa chương trình trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mặt trận, đoàn thể các cấp, địa phương gắn với phong trào thi đua thực hiện chương trình giảm nghèo với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày cả nước chung tay vì người nghèo” hàng năm… Vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm, người dân hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Nhờ thực hiện tốt chương trình trên, kết quả sau 3 năm triển khai, thông qua kênh MTTQ Việt Nam tỉnh, các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ hơn 28,48 tỷ đồng, qua đó đã xây dựng, sửa chữa 1.193 nhà đại đoàn kết, nhà chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo; Thông qua Đề án 406/ĐA, MTTQ Việt Nam tỉnh đã huy động được hơn 19 tỷ đồng để mua 1.000 con bò giống hỗ trợ cho hộ nghèo; đồng thời thực hiện chương trình an sinh xã hội, Mặt trận các cấp đã tiếp nhận trên 58 tỷ đồng để giúp đỡ hộ nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Giai đoạn 2019-2020, mục tiêu của tỉnh đề ra: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7%-7,43%. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo kế hoạch đề ra.
Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Để thực hiện được mục tiêu đề ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, nhân dân nhận thức đầy đủ việc xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Xem công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả giảm nghèo là chỉ tiêu để đánh giá tập thể và cá nhân hàng năm; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”. Bên cạnh đó cần tiến hành rà soát chính xác nguyên nhân nghèo để đề ra giải pháp giảm nghèo phù hợp; huy động nguồn lực, bố trí sử dụng nguồn lực cho công tác giảm nghèo công khai, minh bạch, tránh dàn trải và có sự tham gia tích cực của người dân. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo; tập trung đầu tư hạ tầng cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng trong thực hiện công tác giảm nghèo. Từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo và năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Gắn kết thực hiện Đề án giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp tạo cho cơ sở chủ động từ khâu kế hoạch đến điều hành quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động của Đề án giảm nghèo...
Bình An