Đề án 52 được triển khai từ năm 2009 tại 19 xã biển thuộc 5 huyện, thành phố, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và KHHGĐ; phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai, phá thai ngoài ý muốn... Để đáp ứng các mục tiêu Đề án, ngay từ khi thực hiện, Chi cục Dân số-KHHGĐ phối hợp với các Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản duy trì các đội lưu động thường xuyên tư vấn và cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS- KHHGĐ tại các xã ven biển; đồng thời, tổ chức tập huấn, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở làm dịch vụ tuyến xã, phường như trạm y tế, cơ sở y tế quân - dân y kết hợp... Bên cạnh đó, các hoạt động khác như: hỗ trợ phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn…cũng được quan tâm tại các địa phương triển khai đề án. Nhờ vậy, người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Số người chấp nhận các biện pháp tránh thai, phát hiện, điều trị các bệnh viêm nhiễm qua đường sinh dục, chăm sóc thai nghén tăng lên; mức sinh đã giảm xuống, chất lượng dân số dần được cải thiện. Từ năm 2016 đến nay, đã có trên 28.200 lượt người được tư vấn, khám phụ khoa, trên 18.000 người được điều trị phụ khoa; gần 2.000 lượt người được khám tầm soát các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…
Cán bộ y tế xã Nhơn Hải (Ninh Hải) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe sinh sản,
cung cấp các biện pháp tránh thai an toàn cho người dân. Ảnh: T.Phương
Có thể nói Đề án 52 đã mang lại nhiều quyền lợi cho người dân, nhất là phụ nữ khi mang thai được chăm sóc SKSS, được kiểm tra sức khoẻ thường xuyên. Các hoạt động truyền thông cơ sở tăng cường, vì vậy ý thức của người dân cũng được nâng lên. Chị Trần Thị Dịu, khu phố 3, phường Mỹ Bình, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm chia sẻ: Trước đây, khi mang thai tôi ít quan tâm, thăm khám. Sau khi được các cộng tác viên dân số tuyên truyền, tôi hiểu được để có thai kỳ an toàn, khoẻ mạnh, cần khám thai định kỳ ít nhất 3 lần. Đến khi có con thứ 2, tôi thường xuyên đến Trạm Y tế phường thăm khám, được bác sỹ tư vấn sàng lọc trước sinh, hỗ trợ tiêm phòng uốn ván,…nhờ vậy, mẹ tròn con vuông.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số hoạt động ở cơ sở có lúc bị cầm chừng do nguồn kinh phí bị cắt giảm. Tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa trong tổng người đến khám còn cao. Việc cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở cấp xã còn yếu và thiếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường. Hầu hết trang thiết bị tại một số trạm còn thiếu, chưa được nâng cấp, không đủ đáp ứng việc khám, chữa bệnh cho người dân. Những người đi biển lâu dài nên ít được tiếp cận với công tác truyền thông và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Chất lượng dân số đang dần được cải thiện, nhưng vẫn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai...
Bà Phạm Thị Cẩm Vân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh cho biết: Để đề án ngày càng đi vào chiều sâu, Chi cục Dân số-KHHGĐ luôn chú trọng đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng công tác truyền thông bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, nói chuyện chuyên đề với người dân tại những nơi công cộng, tư vấn tại nhà, tư vấn tại điểm cung cấp dịch vụ…Cùng với việc tăng cường và đổi mới công tác truyền thông, Chi cục sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế, tập trung hơn nữa vào công tác củng cố mạng lưới cán bộ dân số cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGÐ, cung ứng đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Đặc biệt, để từng bước nâng cao chất lượng dân số vùng ven biển rất cần sự đồng thuận và tham gia của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và ý thức của mỗi người dân.
Mỹ Dung