Những điều cần biết về kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2011

Trong chuyên mục này chúng tôi sẽ mời các chuyên gia về giáo dục, giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy tham gia để tư vấn, giải đáp thắc mắc của học sinh và phụ huynh về các kỳ thi năm học này.

Để giúp học sinh cuối cấp THCS, THPT và các bậc phụ huynh có thêm thông tin cho kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp, thi vào các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp và chuyển cấp, từ tháng 3-2011, Báo Ninh Thuận phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo mở chuyên mục: Tư vấn Mùa thi trên báo in và báo điện tử Ninh Thuận (NTO). Nội dung gồm 2 phần: Giới thiệu những quy định mới trong công tác tuyển sinh năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tư vấn chọn trường, chọn nghề cho học sinh lớp 12; hướng dẫn ôn tập và kinh nghiệm làm bài thi đạt kết quả cao.

Trong chuyên mục này chúng tôi sẽ mời các chuyên gia về giáo dục, giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy tham gia để tư vấn, giải đáp thắc mắc của học sinh và phụ huynh về các kỳ thi năm học này.

Các em và quý vị phụ huynh theo dõi thông tin trên các số báo in thường kỳ và NTO (địa chỉ truy cập www.baoninhthuan.com.vn. Mọi câu hỏi thắc mắc xin gửi về Tòa soạn Báo Ninh Thuận, số 279A, đường 21 Tháng 8, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, hoặc hộp thư điện tử: bandocnt@gmail.com để được tư vấn thêm.

1. Lịch thi

Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, lịch thi tốt nghiệp THPT, BT THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 diễn ra như sau:

- Thi tốt nghiệp THPT và BT THPT tổ chức vào các ngày 2, 3, 4-6-2011.

- Thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 được tổ chức theo 3 đợt:

+ Đợt 1: Thi Đại học khối A,V tổ chức vào các ngày 4, 5-7-2011;

+ Đợt 2: Thi Đại học khối B, C, D và các khối còn lại, tổ chức vào các ngày 9, 10-7-2011;

+ Đợt 3: Thi vào các trường Cao đẳng, vào các ngày 15, 16/7/2011.

Đối với các trường TCCN và hệ Trung cấp trong các trường ĐH, CĐ thì không tổ chức thi mà xét tuyển trên cơ sở kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi ĐH, CĐ của thí sinh.

2. Những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh năm 2011

Về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 vẫn giữ ổn định, không thay đổi nhiều so với năm trườc, chỉ có một số thay đổi như sau:

- Về đối tượng tuyển sinh: Thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ Việt Nam, không phải dự thi tuyển sinh. Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập THPT, kết hợp với kiểm tra kiến thức để xét tuyển.

- Về hồ sơ trúng tuyển của thí sinh: Để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thí sinh trúng tuyển khi đến trường nhập học không phải nộp hồ sơ trúng tuyển.

- Thời gian nộp hồ sơ đăng ký tại Sở GD&ĐT và các trường THPT, các Trung tâm từ ngày 14-3-2011 đến hết ngày 14-4-2011.

3. Nguyên tắc ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011

Bộ GD&ĐT ra đề thi chung cho các trường đại học và cao đẳng có tổ chức thi. Các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học và Sinh học đề thi ra theo phương pháp trắc nghiệm, các môn Toán học, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý đề thi theo phương pháp tự luận. Các trường ĐH, CĐ tự ra đề thi các môn năng khiếu.

Về nội dung đề thi: Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, nội dung đề thi bám sát chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, không quá khó, quá phức tạp, không đánh đố, phù hợp với thời gian làm bài, có khả năng phân loại thí sinh.

Về cấu trúc đề thi, đề thi có 2 phần:

- Phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao;

- Phần riêng ra theo từng chương trình: Chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài; thí sinh nào làm cả 2 phần riêng thì bài làm coi như phạm qui, cả 2 phần riêng đều không được chấm. Chỉ chấm điểm phần chung.

Đối với các môn Ngoại ngữ: Đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.

4. Hồ sơ và thủ tục đăng ký dự thi

* Hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ:

Thí sinh dự thi vào trường nào thì nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) cho trường đó qua hệ thống tuyển sinh tại địa phương. Thí sinh có thể nộp hồ sơ ĐKDT vào một hoặc nhiều trường ĐH, CĐ. Mỗi bộ hồ sơ ĐKDT gồm có:

- Bộ phiếu ĐKDT: Do Sở GD&ĐT phát hành, gồm túi đựng hồ sơ - cũng chính là một phiếu ĐKDT; phiếu số 1 và phiếu số 2. Thí sinh phải ghi đúng, đầy đủ và chính xác trong cả 03 phiếu ĐKDT.

Khi nộp hồ sơ, nơi thu hồ sơ giữ lại túi đựng hồ sơ, phiếu số 1, trả lại phiếu số 2 cho thí sinh. Thí sinh lưu giữ phiếu số 2 này để nhận giấy báo thi, báo điểm hoặc đính chính khi cần. Nếu thất lạc giấy báo thi, thí sinh đem phiếu số 2 này cùng giấy giới thiệu của nơi thu nhận hồ sơ trực tiếp tới trường để làm thủ tục dự thi.

- 3 ảnh cỡ 4x6 kiểu chứng minh thư mới chụp trong vòng 6 tháng. Trong đó 1 ảnh dán vào phía ngoài túi đựng hồ sơ, 2 ảnh còn lại đựng trong một bì nhỏ, mặt sau của 2 ảnh ghi: Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, tỉnh, huyện và mã đơn vị ĐKDT. Sau đó đề nghị trường (nếu là học sinh đang học), cơ quan (nếu là CB, CNV) hoặc công an xã, phường (nếu là thí sinh tự do) ký xác nhận, đóng dấu giáp lai vào góc ảnh và chữ ký (chỉ đóng 1 dấu chung cho cả chữ ký và góc ảnh).

- Những thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên (con thương binh, liệt sỹ ...) từ đối tượng từ 1 đến 7 phải nộp các giấy tờ chứng nhận hợp pháp (bản sao).

- 3 bì thư theo mẫu, ghi đầy đủ các thông tin trên phong bì, đặc biệt là họ, tên, trường, lớp của thí sinh và số điện thoại liên hệ (nếu có). Không để ảnh trong 3 bì thư này.

* Nơi nộp hồ sơ ĐKDT: Học sinh đang học lớp 12 tại trường nào thì nộp hồ sơ ĐKDT tại trường đó. Thí sinh tự do và thí sinh có hộ khẩu ở tỉnh khác (vãng lai) thì nộp hồ sơ tại Sở GD-ĐT.




  

 
  • thuy huong
    cho em hoi, em la thi sinh thi lai.neu nhu em dau ky thi dai hoc thi giay bao trung tuyen de duoc goi den nha em hay la em tu den truonf ma minh trung tuyen de lay va lo nhu em khong dau nhung em muon lay dien do de xet nguyen vong 2 vay giay bao diem cua em cung se duoc goi ve nha hay la e den truong du thi de lay, em xin cam on
    sweet_dream5651@yahoo.com