Đồn Biên phòng 420 (ĐBP) có nhiệm vụ quản lý 14 km đường bờ biển, từ Mũi Sừng Trâu (tiếp giáp Đồn biên phòng 416) đến thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam. Với nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ ĐBP 420 luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, tăng cường tuần tra kiểm soát, bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới vùng biển.
Cán bộ, chiến sĩ ĐBP 420 kiểm tra tàu thuyền ra, vào Cảng cá Cà Ná.
THỰC HIỆN “3 CÙNG” VỚI DÂN
Một ngày cuối tháng 2, chúng tôi theo chân CB, CS đơn vị đi làm công tác dân vận. Trung tá Ngô Văn Lãng, Chính trị viên ĐBP 420 cho biết: “Trong công tác dân vận, chiến lược “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) luôn được CB-CS Bộ đội Biên phòng đặt lên hàng đầu”. Ngoài việc tuyên truyền trên loa phát thanh của địa phương, hằng ngày, sau cuộc giao ban buổi sáng, 4 cán bộ, chiến sĩ Đội Vận động quần chúng lại tỏa ra đi đến từng nhà dân để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt vận động người dân thực hiện tốt Nghị định 161 của Chính phủ về quy chế biên giới, biển đảo, Chỉ thị 01/1998/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sử dụng chất nổ, kích điện để đánh bắt hải sản trái phép. Trong năm 2010, ĐBP 420 đã phối hợp vận động 447 tàu thuyền ký cam kết không sử dụng chất nổ khai thác hải sản. Nhằm xây dựng mối đoàn kết quân dân, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân đơn vị đã phối hợp chính quyền, đoàn thể địa phương xây dựng 4 căn nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, giúp 100 ngày công xây dựng nhà ở 167 cho người nghèo tại địa phương, được bà con nhân dân quý mến. Nhằm tăng cường bảo đảm an ninh tại khu vực cảng biển Cà Ná, từ tháng 10-2010, đơn vị tăng cường thêm 4 cán bộ, chiến sĩ cắm chốt trực 24/24 giờ tại 2 Ban quản lý cảng, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân. Riêng trong năm 2010, đơn vị tổ chức 309 lượt tổ tuần tra trên bờ, bãi ngang; đăng kiểm, kiểm chứng xuất nhập cho 4.777 lượt thuyền cá ra vào cảng; xử phạt 17 vụ vi phạm hành chính... Mỗi khi có tàu gặp nạn, những chiến sĩ “quân hàm xanh” lại bất chấp hiểm nguy ngay lập tức có mặt để cứu hộ cứu nạn, giúp kéo tàu vào bờ neo đậu an toàn, tránh thiệt hại về người, tài sản cho ngư dân…
“ĐỒN LÀ NHÀ, BIỂN ĐẢO LÀ QUÊ HƯƠNG”
Nhiệm vụ khó khăn, vất vả là thế, nhưng đi đến đâu, làm gì, đặc biệt trong mỗi chuyến đi cơ sở, tiếp xúc với bà con, trên gương mặt của những cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn hiện nét vui tươi, chân thành, tình cảm. Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết, trong số hơn 30 CB, CS công tác tại đồn thì đã có gần phân nữa là những người từ địa phương khác. Đối với các anh, đồn đã trở thành nhà, biên giới trở thành quê hương thứ hai và bà con nơi đây đã trở thành những người thân thiết. Thượng úy Đỗ Xuân Sách, quê ở tận Hưng Yên, công tác ở đơn vị đã gần 10 năm, tâm sự: “Những tháng năm sống và làm việc xa gia đình, chính tình cảm yêu thương của bà con nơi đây là động lực giúp chúng tôi vượt qua nỗi nhớ quê hương, vất vả, khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Nhằm nâng cao đời sống cho anh em, lãnh đạo đơn vị còn tổ chức cho anh em trồng rau, nuôi lợn, gà, một phần để cải thiện bữa ăn hằng ngày, một phần giúp anh em có thêm thu nhập và kinh phí tổ chức giao lưu các hoạt động văn hóa, văn nghệ vào những dịp lễ, tết, nâng cao đời sống tinh thần, tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các cán bộ, chiến sĩ với nhân dân, chính quyền địa phương, tạo điều kiện giúp đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ, giữ vững bình yên vùng biển đảo Tổ quốc thân yêu.
Uyên Thu