Đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ người nộp thuế

Nhằm giúp người nộp thuế giảm chi phí thời gian trong quá trình chấp hành nghĩa vụ nộp thuế, những năm gần đây, Cục Thuế tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đơn giản hóa các thủ tục hành chính như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế; hỗ trợ người nộp thuế trong việc khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử; ủy nhiệm cho các ngân hàng thương mại thu thuế, phí, lệ phí; ủy nhiệm cho Bưu điện tỉnh thu thuế hộ kinh doanh... Cách làm trên không chỉ giúp cơ quan Thuế nâng cao chất lượng công tác kê khai, nộp thuế theo Đề án Cải cách và hiện đại hóa ngành Thuế giai đoạn 2016 – 2020, mà còn đáp ứng yêu cầu quản lý rũi ro, quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập theo quy định của Luật quản lý thuế và Quyết định số 68/2015/QĐ-UBND ngày 22-9-2015 của UBND tỉnh.

Người dân đến làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế Tp.Phan Rang – Tháp Chàm.  Ảnh: V.Thanh

Ông Đoàn Hạnh Phúc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Ngoài các giải pháp kể trên, trong năm qua, ngành Thuế còn triển khai thực hiện tốt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đối với các thủ tục thuế, các quy trình quản lý liên quan trực tiếp đến người nộp thuế; phối hợp các sở, ngành liên quan thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình quản lý, các quy chế phối hợp để đảm bảo đúng quy định của Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” tại cơ quan hành chính nhà nước. Nhờ đó, thời gian giải quyết các thủ tục trong lĩnh vực thuế được rút ngắn từ 1-2 ngày so với quy định của Chính phủ và UBND tỉnh. Riêng năm 2018, toàn ngành đã giải quyết và cấp 594 mã số thuế cho các tổ chức, cá nhân, trong đó theo cơ chế “một cửa liên thông” với Sở Kế hoạch và Đầu tư có 504 doanh nghiệp; trực tiếp tại bộ phận “một cửa” cơ quan thuế các cấp có 90 tổ chức.

Qua đánh giá, phân loại thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2018 của UBND tỉnh (do Sở Nội vụ chủ trì), ngành Thuế tiếp tục đạt được kết quả tích cực, đứng vị trí thứ 2 trong khối các cơ quan Trung ương. Đặc biệt, đến nay 100% doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử; 100% hộ kinh doanh nộp thuế thông qua đơn vị ủy nhiệm thu (Bưu điện tỉnh). Trong đó, 3 chỉ số thành phần của nộp thuế điện tử là: Số chứng từ nộp điện tử, số thuế nộp điện tử và số doanh nghiệp nộp thuế điện tử đều đạt trên 98%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ đề ra (chỉ tiêu của Chính phủ đạt tối thiểu 95%), được Tổng cục Thuế đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về triển khai nộp thuế điện tử.

Năm 2019, ngành Thuế tỉnh ta được giao dự toán thu ngân sách (phần thu nội địa) 2.400 tỷ đồng. Để chủ động hoàn thành chỉ tiêu được giao, ngành Thuế thường xuyên theo dõi tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng sắc thuế để kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý thu ngân sách. Triển khai thực hiện tốt các chính sách, pháp luật thuế sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là chính sách hóa đơn về điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12-9-2018 và các chính sách miễn, giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục thuế theo các nghị quyết của Chính phủ và chỉ thị của UBND tỉnh. Chú trọng công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế. Mặt khác, ngành Thuế còn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu để người dân dễ tiếp cận. Phối hợp triển khai tốt các Đề án cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế như khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử…; đặc biệt là triển khai kết nối với Văn phòng đăng ký đất đai (sở Tài nguyên và Môi trường) trong việc luân chuyển hồ sơ, xác định nghĩa vụ tài chính đất đai; áp dụng triệt để các phần mềm ứng dụng vào công tác thuế nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.

Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thực hiện quy chế phối hợp theo cơ chế “một cửa liên thông” trong lĩnh vực đăng ký thuế, xác định ưu đãi về thuế đối với các dự án đầu tư, nhất là các dự án điện gió, điện mặt trời, lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư. Duy trì việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào các lĩnh vực hoạt động của ngành, nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục thuế. Triển khai kịp thời, đầy đủ ứng dụng quản lý tập trung mã số thuế, nâng cấp hệ thống các ứng dụng quản lý thuế cấp Cục và các Chi cục Thuế nhằm đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung chính sách thuế mới. Tập trung kiện toàn, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp, trong đó sẽ thành lập Chi cục Thuế 2 khu vực: Ninh Sơn – Bác Ái và Thuận Bắc – Ninh Hải. Đồng thời, ngành còn tăng cường giám sát công chức thi hành công vụ, nhất là đi sâu vào các chuyên đề liên quan tới thực hiện chính sách pháp luật, thái độ giao tiếp, ứng xử của công chức thuế, nhằm giúp cán bộ thuế ngày càng năng động, đổi mới phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế.