Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, qua 5 năm triển khai thực hiện đề án, hiện nay toàn tỉnh có 170 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản, với 1.018 tàu cá tham gia, trong đó huyện Ninh Hải có 34 tổ/231 tàu, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có 27 tổ/204 tàu, huyện Thuận Nam có 109 tổ/583 tàu. Đáng chú ý là số tàu cá khai thác tại vùng biển khơi tham gia vào các tổ đoàn khai thác chiếm gần 90%. Tất cả tàu trong tổ đoàn kết khi hoạt động đều được hỗ trợ về thông tin ngư trường, thông báo và hướng dẫn thông tin thời tiết nguy hiểm trên biển... Bên cạnh đó, các tàu cá trong các tổ đoàn kết trên biển được tuyên truyền, hướng dẫn, cam kết thực hiện các quy định trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, như: Không sử dụng chất nổ, chất độc và xung điện để khai thác thủy sản trái phép theo Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 2-1-1998; không hoạt động khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển nước ngoài theo Chỉ thị số 689/CT-TTg, ngày 18-5-2010; không khai thác bất hợp pháp theo Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ;…
Ngư dân Cà Ná (Thuận Nam) khai thác cá cơm đạt sản lượng cao. Ảnh: Hữu Phương
Thường xuyên có mặt ở khơi xa, anh Võ Ngọc Minh, khu phố 9, phường Đông Hải (Tp Phan Rang-Tháp Chàm), chủ tàu gỗ công suất 940 CV chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá, nói: Tàu tôi hoạt động tận vùng biển huyện đảo Trường Sa, nhờ tham gia tổ đoàn kết, chúng tôi thuận lợi hơn trong việc hợp tác đánh bắt hải sản. Có thể nói nhờ tổ chức hình thành và đẩy mạnh hoạt động các Tổ đoàn kết trong nghề đánh bắt và liên kết giữa các khâu (khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần thương mại ở các cảng cá, bến cá) nên tình hình tiêu thụ nhanh hơn và giá sản phẩm tiếp tục tăng so với năm trước. Hiệu quả của các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển thể hiện rõ, trước hết là qua tăng trưởng khai thác. Năm 2018, toàn tỉnh khai thác đạt sản lượng 107.120 tấn hải sản các loại, vượt 1,61% kế hoạch năm và tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước; tính chung từ 2014-2018, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm là 10,59%. Riêng từ đầu năm đến giữa tháng 2 -2019, toàn tỉnh khai thác đạt được 7.911,5 tấn hải sản các loại, đạt 6,99 % kế hoạch năm và tăng 87% so với cùng kỳ.
Đến nay, chỉ riêng số lượng tàu cá công suất trên 90 CV của tỉnh ta là 1.119 chiếc, tăng 201 chiếc so với năm 2014, trong đó có 407 chiếc trên 400 CV, chiếm 35% trong số tàu cá trên 90 CV. Cơ cấu tàu cá đã dịch chuyển đáng kể, số lượng tàu vỏ dài trên 15 m có 557 chiếc, trong đó chiếm 59% làm nghề lưới vây, chiếm 15% làm nghề lưới rê, chiếm 10% làm nghề câu, còn lại thuộc về nghề lưới kéo và các nghề khác. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, qua liên kết, ngư dân trao đổi, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật, giúp cung cấp kịp thời thông tin, nhanh chóng tìm ra ngư trường khai thác, kéo dài thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch, tự làm dịch vụ hậu cần và chủ động tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Ngoài ra còn kết nối ngư dân để phát huy vai trò trong cứu hộ, cứu nạn, hạn chế các rủi ro nguy hiểm khi hoạt động khai thác tại các vùng biển khơi. Tổ đoàn kết đã trở thành nhân tố thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu tàu cá, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ theo hướng kết hợp làm kinh tế với góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo.
Về chuyển dịch cơ cấu tàu và nghề cá, đơn cử nếu năm 2014, nghề cá tỉnh ta chỉ có 31 chiếc tàu đi khai thác xa, thì cuối năm 2018 đã tăng lên 507 chiếc (trong đó có 469 tàu khai thác, 38 tàu dịch vụ), tốc độ tăng trưởng từ năm 2014-2018 tương ứng 101% và xu hướng đó đang tiếp tục qua đăng ký của ngư dân. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, với số lượng tàu trên, qua tính toán mỗi tàu sẽ có thời gian hiện diện tại các khu vực huyện đảo Trường Sa, giàn khoan DK1 gần 60 ngày. Như vậy trong 1 năm, lượng tàu cá này sẽ có mặt tại các khu vực khoảng 9 tháng. Anh Lê Hồng Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh lý giải: Như một điều tất yếu, tàu thuyền càng đi khơi xa càng cần nương tựa lẫn nhau, dẫn đến xu hướng hợp tác ngày càng tăng.
Từ kết quả trên, để thu hút ngư dân tham gia, đồng thời bảo vệ họ trên biển khi có những tranh chấp ngư trường và những vấn đề phát sinh trong quá trình đánh bắt hải sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ về kinh phí đối với các Tổ đoàn kết trên biển. Đặc biệt kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có chức năng sớm thành lập “nghiệp đoàn nghề cá tỉnh” để góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển các đoàn tàu, tập đoàn đánh cá xa bờ trong chiến lược phát triển biển đảo của Đảng và Nhà nước, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên vùng lãnh hải của Tổ quốc.
Bạch Thương