Theo sử sách ghi chép, nghề làm gốm truyền thống của người Chăm thôn Bàu Trúc (nay là khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước) có từ năm 1832, ban đầu chủ yếu sản xuất các vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Sau những bước thăng trầm, thì đến năm 2006 thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã đầu tư khoảng 30 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng đường giao thông, cổng làng nghề, nhà trưng bày sản phẩm, tạo bộ mặt mới cho làng nghề vực dậy một cách ngoạn mục. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, những nghệ nhân làm gốm đã thay đổi mẫu mã, tạo ra các sản phẩm mới với nhiều kiểu dáng đặc thù, trang trí hoa văn đẹp, nhất là những hình tượng điêu khắc các cụm tháp, vũ nữ Apasara mang phong cách riêng của văn hóa truyền thống đồng bào Chăm.
Nghệ nhân Làng gốm Bàu Trúc chế tác bình gốm bằng phương pháp thủ công.
Đặc trưng của Làng nghề gốm Bàu Trúc là tất cả các sản phẩm được chế tác bằng tay và nung lộ thiên, đòi hỏi thợ gốm phải có kỹ thuật điêu luyện, những tính toán chính xác và trí sáng tạo mới tạo ra được sản phẩm đồng đều về kiểu dáng, bố cục hoa văn và những ý đồ về nghệ thuật. Rất nhiều du khách khi đến tham quan làng gốm phải thán phục kỹ thuật tài tình của các nghệ nhân trong việc khai thác, nhào nặn đất sét làm nguyên liệu, đạt đến đỉnh cao khoa học trong sắp xếp sản phẩm vào lò nung, kỹ thuật đốt lò, kinh nghiệm xác định độ chín và tạo màu sắc, là những đặc điểm giúp làng nghề ngày càng phát triển.
Hiện nay, tại Bàu Trúc có 300 /975 hộ làm gốm, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng ngàn sản phẩm các loại. Nhờ làm nghề, đời sống của người dân địa phương ngày càng khấm khá, nhiều gia đình xây được nhà khang trang. Từ sự hỗ trợ của ngành chức năng trong quảng bá du lịch, vào các ngày lễ, tết, rất đông du khách đến tham quan. Để gắn làng nghề với phát triển du lịch, huyện Ninh Phước đã xây dựng quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng hạ tầng, cho nên nghề làm gốm nhanh chóng được khôi phục và nhân rộng. Qua đó, nhiều công ty du lịch thường xuyên đưa khách đến tham quan làng gốm giàu truyền thống. Tại đây, du khách được các nghệ nhân hướng dẫn trực tiếp trải nghiệm làm các sản phẩm gốm.
Từ khi Gốm Bàu Trúc có nhãn hiệu, làng nghề truyền thống Gốm Bàu Trúc được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa nghệ thuật làm gốm vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các sản phẩm đưa ra thị trường nhiều hơn, khách hàng đông hơn. Làng nghề thành lập Tổ giám sát đánh giá sản phẩm đạt chất lượng mới được phép chuyển đi tiêu thụ, đảm bảo uy tín. Nỗ lực xây dựng thương hiệu làng nghề mang lại kết quả tích cực trong tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên. Đơn đặt hàng (nhất là các sản phẩm gốm trang trí) tăng gấp nhiều lần so với cách đây vài năm, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.
Để phát huy giá trị sản phẩm làng nghề đặc thù, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Đồng chí Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương), cho biết: Những năm qua, tỉnh có nhiều chương trình, đề án hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Từ nguồn vốn các chương trình khuyến công, mỗi năm tỉnh dành 100 - 150 triệu đồng xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, mở lớp đào tạo nghề, lập webside làng nghề, hỗ trợ các cơ sở tham gia hội chợ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhờ đó, làng nghề truyền thống từng bước nâng cao được chất lượng và giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, hoạt động sản xuất ổn định.
Anh Tùng