Nét nổi bật của chương trình phối hợp, đó là dựa trên các nội dung, quy định được ký kết, Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn đã họp bàn, triển khai thành lập Ban vận động, tuyên truyền với 30 thành viên, có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Ban công tác Mặt trận, Ban phong tục các thôn xây dựng kế hoạch tuyên truyền thông qua những buổi sinh hoạt của các chi hội, đoàn thể, các tộc họ… Bằng hình thức tuyên truyền phù hợp, các tổ chức tôn giáo đã chuyển tải đầy đủ nội dung tác hại nguy hiểm của môi trường và biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Từ đó, giúp đồng bào nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò và thể hiện trách nhiệm trong việc chung tay giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng, đáng chú ý hơn bà con tự giác trồng cây, tạo cảnh quan “xanh-sạch-đẹp” ở khu dân cư, mỗi hộ đều chủ động khai thông cống rãnh, không xả nước thải ra ngoài đường, 95% gia đình có công trình nhà vệ sinh đúng quy định.
Người dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) thay đổi tập quán nuôi heo thả rong.
Hoạt động tham gia BVMT không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, điểm nhấn của chương trình còn thể hiện qua việc xây dựng các mô hình về BVMT. Để các mô hình đi vào thực tế cuộc sống, tạo sự đồng thuận tham gia của người dân, Trưởng Ban phong tục ở các thôn có trách nhiệm tổ chức ký cam kết với các gia đình với nội dung, quy ước cụ thể. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ 4 thôn được chọn làm thí điểm, đến nay đã nhân rộng ra 24 thôn, khu phố xây dựng mô hình “Khu dân cư quản BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Trong đó, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, như: Tổ thu gom rác thải thôn Chất Thường, xã Phước Hậu (Ninh Phước) làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con bỏ rác đúng nơi quy định để Công ty TNHH XD-TM&SX Nam Thành vận chuyển xử lý, tiêu hủy; tổ vận động thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước) huy động người dân đóng góp kinh phí xây dựng 2 bệ tiêu hủy bao bì, chai lọ, thuốc bảo vệ thực vật; mô hình chăn nuôi bò tập trung ở thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế tình trạng phóng uế bừa bãi trong khu dân cư. Ngoài ra, thực hiện BVMT trong sản xuất, kinh doanh, có 100% hộ đồng bào Chăm ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm.
Đặc biệt, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các chức sắc, chức việc trong tôn giáo đã phối hợp với người có uy tín, chính quyền, Mặt trận và tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương vận động người dân không nuôi heo thả rong, kết quả trên 97% hộ dân ký cam kết, bước đầu làm thay đổi tập quán của đồng bào Chăm trong chăn nuôi, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Điển hình như xã Phước Hậu (Ninh Phước), nếu trước đây, tình trạng nuôi heo thả rong diễn ra khá phổ biến thì nay đã giảm hẳn. Đồng chí Hứa Văn Bảo, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Thực hiện Cuộc vận động “Không nuôi heo thả rong trong khu dân cư” do huyện phát động từ năm 2016, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/ĐU, ngày 6-5-2016 với các nội dung triển khai cụ thể; mặt khác, nhằm tạo sự hưởng ứng sâu rộng, vận động hộ dân thực hiện tốt theo tinh thần cuộc vận động, UBND xã còn tạo điều kiện cho những hộ khó khăn được vay vốn ngân hàng để xây dựng chuồng trại nuôi heo. Chị Thuận Thị Mại, ở thôn Hiếu Lễ, chia sẻ: Nuôi heo thả rong hiệu quả kinh tế thấp, vừa gây ô nhiễm môi trường. Từ khi nuôi nhốt trong chuồng heo ít bệnh và phát triển tốt hơn.
Có thể nói, thông qua chương trình phối hợp đã tạo sự lan tỏa và gắn kết sâu rộng của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong việc tham gia BVMT đạt kết quả cao và bền vững. Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình phối hợp vừa qua, đồng chí Phan Hữu Đức, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho rằng: Những tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đến đời sống ngày càng trở nên cấp bách, chính vì vậy, việc huy động cả hệ thống chính trị để tham gia, chung sức BVMT là hết sức cần thiết. Để chương trình đi vào thực tế đời sống nhân dân, các thành viên Hội đồng chức sắc, Trưởng ban phong tục ở các địa phương, Ban công tác Mặt trận, Ban Quản lý thôn, khu phố cần tiếp tục phát huy tính sáng tạo vận động mỗi gia đình, cộng đồng người Chăm cùng chung tay, góp sức BVMT; hướng tới xây dựng môi trường nông thôn ngày càng xanh-sạch-đẹp.
Hồng Lâm