Hội Nông dân tỉnh nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới

(NTO) Thực hiện các chương trình, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Nông dân (ND) tỉnh đã quán triệt, chỉ đạo đến cán bộ các cấp hội làm nòng cốt ở cơ sở.

Đặc biệt, thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội ND Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”, các cấp Hội ND từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, đóng góp thiết thực vào phong trào xây dựng NTM.

Ngoài việc tham mưu Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 61 của tỉnh, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh kết hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 24-5-2011 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng NTM đến năm 2020”. Theo đó, kết quả thực tế thấy rõ là thông qua Quỹ Hỗ trợ ND, Hội ND tỉnh không chỉ hỗ trợ vốn để nông dân xây dựng mô hình mà còn hướng dẫn xây dựng tổ, nhóm sản xuất, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nhãn hiệu tập thể. Theo đồng chí Nguyễn Văn Tính, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh, trong 7 năm qua (2011-2018), Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh đã cho 155 tổ, nhóm với 1.896 lượt hội viên ND vay đầu tư 155 dự án, doanh số gần 47 tỷ đồng. Những mô hình có hiệu quả được nhân rộng như: Sản xuất muối thương phẩm xã Nhơn Hải (Ninh Hải); nuôi bò vỗ béo ở xã Tri Hải (Ninh Hải) và xã Hòa Sơn (Ninh Sơn); nuôi cá bớp lồng, xã Thanh Hải (Ninh Hải); trồng măng tây xanh, xã An Hải (Ninh Phước) và xã Xuân Hải (Ninh Hải); trồng và chăm sóc vườn nho ở thị trấn Khánh Hải, xã Xuân Hải (Ninh Hải).

Nông dân thôn Gò Gũ, xã Hộ Hải (Ninh Hải) ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa.

Ngoài ra, một số mô hình tiêu biểu được hỗ trợ từ các nguồn vốn khác được hội viên ND nhân rộng hiệu quả như mô hình Ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm. Khởi xướng từ năm 2009 do Tổ chức phi Chính phủ IDE Việt Nam tài trợ cho 25 hộ thử nghiệm, với 2,5 ha, đến nay nhân rộng ra toàn tỉnh với hàng ngàn ha, trên tất cả các đối tượng cây trồng, có hộ ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm quy mô lên đến hàng chục ha. Hay như mô hình trồng măng tây xanh cũng khởi xướng từ năm 2009 tại phường Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), hiện nhân rộng toàn tỉnh, giúp hội viên ND chuyển đổi cây trồng hiệu quả; bước đầu hình thành một số mô hình ứng dụng công nghệ cao như điều khiển tự động, điều khiển qua điện thoại thông minh, Internet để tưới nước tiết kiệm, kết hợp bón phân theo hệ thống tưới, sản xuất thủy canh trong nhà kính…Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, Hội ND tỉnh cũng đã chú trọng tổ chức tập huấn nghề cho hội viên ND phù hợp với trình độ, đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi sản xuất, ứng dụng công nghệ. Qua chuyển đổi canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống ND đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Vị thế vai trò của tổ chức Hội ND ngày càng được nâng lên, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy cho hội viên ND.

Nhìn lại năm 2018, đối với việc thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và kể cả Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”, có thể nói vai trò, trách nhiệm của Hội ND các cấp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM được nâng cao. Theo đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh, trong năm qua Quỹ Hỗ trợ ND đã giải ngân 29 dự án vay vốn cho 331 hộ/9,735 tỷ đồng. trong đó có 10 dự án/4.140 tỷ đồng/128 hộ thuộc nguồn vốn Trung ương và 19 dự án/5,595 tỷ đồng/203 hộ của nguồn vốn tỉnh. Các mô hình, dự án được đánh giá có hiệu quả về kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, liên kết giữa các hộ có chung ngành nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập của hộ vay. Tiêu biểu tại xã Phước Vinh (Ninh Phước) có các hộ ông Lê Quốc Trọng, Hồ Trung Sơn ở thôn Bảo Vinh sản xuất táo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi hộ 0,3 ha, thu nhập trên 180 triệu đồng/hộ/năm; hộ ông Nguyễn Việt Toàn, thôn Liên Sơn 2, chăn nuôi heo 1.700 con/đợt, thu nhập trên 800 triệu đồng/năm; hộ ông Trần Ngọc Đông, thôn Phước An 1, thực hiện mô hình chăn nuôi kết hợp kinh doanh giết mổ thịt dê, cừu, thu nhập trên 900 triệu đồng/năm,..

Trong thời gian đến, tiếp tục thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và Nghị quyết số 02-NQ/TU, Hội ND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả một số hoạt động cụ thể như tổng kết đề án Quỹ Hỗ trợ ND giai đoạn 2015-2020, tham mưu đề xuất đổi mới hoạt động giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu phát triển Quỹ Hỗ trợ ND đạt quy mô 25 tỷ đồng. Trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; phối hợp tham gia thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm đặc thù của địa phương.