Theo tử vi, heo tượng trưng cho sự giàu có và người tuổi Hợi rất hào hiệp, tốt bụng, dũng cảm, tuy thường rất bướng bỉnh, nóng tính nhưng siêng năng và chịu lắng nghe. Nhìn chung xoay quanh con heo có rất nhiều chuyện để nói, nhân tết đến xuân về, chúng tôi xin lan man về chuyện nuôi heo.
Là giống vật nuôi quen thuộc, heo có nhiều loại như: Heo nái, heo nọc, heo sữa, heo tây, heo rừng, heo núi…Ở tỉnh ta, heo núi, còn gọi là heo mọi, heo ỉ, heo rượu, heo đen, vốn là giống heo bản địa xưa kia được nuôi nhiều, ngày nay chỉ còn thấy nuôi ở miền núi, vùng cao và vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tên gọi phổ biến là heo đen. Heo này có đặc điểm dễ nhận ra là thân màu đen, lưng võng, bụng xệ và nhỏ con, heo nuôi khi trưởng thành có trọng lượng trung bình chỉ đạt 25-30 kg/con nhưng thịt rất săn chắc. Heo đen có sức đề kháng rất tốt, tính hoang dã vẫn còn cao nên bà con dân tộc Raglai thường quen với việc nuôi thả rông. Đặc biệt là ngoài việc tự phối giống trong đàn, tự đẻ, heo đen còn có khả năng tự tìm kiếm thức ăn rất tốt, có thể nói gần như ít chịu sự tác động của con người trong quá trình sinh trưởng.
Cũng từ con heo đen, cách đây 10 năm, huyện Thuận Bắc thử triển khai mô hình nuôi heo đực rừng cho 6 hộ thuộc các xã: Bắc Phong, Bắc Sơn, Công Hải và Lợi Hải. Khi ấy do hiếu kỳ, tôi đã tìm gặp anh Phạm Ngọc Điệp ở thôn Ấn Đạt (xã Lợi Hải), một trong những hộ nhận nuôi. Anh Điệp khẳng định: “Từ kinh nghiệm nuôi heo đen bản địa của đồng bào dân tộc Raglai, tôi nhận thấy mô hình nuôi heo đực rừng rất có triển vọng về hiệu quả kinh tế đem lại”. Heo đực rừng được nuôi không phải là giống thuần chủng, nó là giống heo rừng F 1 lai tạo từ cha rừng Việt Nam và mẹ rừng Thái Lan. Theo hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, anh Phạm Ngọc Điệp đã ra một trang trại chăn nuôi thú rừng ở Khánh Hòa để chọn mua con giống. Mô hình nuôi heo rừng đực nhằm mục đích cho phối giống, lai tạo với heo đen bản địa để cho ra giống heo lai mới. Thông thường heo đen khi nuôi chừng 6-7 tháng sẽ có lớp mỡ dày dưới bụng, nhưng nếu phối giống với heo rừng sẽ khắc phục được nhược điểm trên. Nhìn bề ngoài, heo đực rừng có lớp da nâu đen, mõm dài và có vẻ mạnh mẽ, hung hăng vì vẫn còn lưu lại chút bản năng hoang dã. Tuy nhiên, sau một thời gian, sự kỳ vọng sản phẩm heo rừng lai đen sẽ thay thế heo đen đã không thành do tiêu thụ khó khăn, mô hình không được nhân rộng.
Chuyện nuôi heo rừng lai F1 tạm thời lắng xuống, nhưng chuyện duy trì và phát triển các giống quý hiếm của địa phương như heo đen vẫn được huyện Thuận Bắc quan tâm. Từ năm 2017, Thuận Bắc phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu “Heo đen Thuận Bắc”, địa điểm chọn phát triển là Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp thôn Suối Đá, xã Lợi Hải. Anh Trần Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã Lợi Hải cho biết: “Việc nuôi heo đen thương phẩm, tuy chỉ phát triển trong những năm gần đây, nhưng đã có một số hộ dân tộc Raglai trong xã biết áp dụng phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi mới và đang có đầu ra ổn định, đặc biệt là ở thôn Suối Đá”. Thực tế qua tìm hiểu, chúng tôi được biết không chỉ người Raglai mà cả người Kinh cư trú ở Suối Đá cũng đã nuôi bán thịt, quảng bá sản phẩm heo đen. Điển hình chị Lưu Thị Bích Lược, là thành viên của HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Suối Đá, tận dụng lợi thế nhà ở ven quốc lộ 1A, chị nuôi khoảng 50 con heo đen (loại lai heo rừng). Heo nuôi khoảng 25-30 kg thì xuất chuồng, giá bán hơi 100 ngàn đồng/kg, Khách hàng của chị chủ yếu là từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc ghé mua, cứ bán xong lứa heo là gầy nuôi lứa mới, nhưng chị thường không đủ hàng cung cấp cho khách. Chị nói: “Tôi thấy trong khi chờ xây dựng, đăng ký thương hiệu theo thủ tục nhà nước, thì trên thị trường rất nhiều khách ngoài tỉnh đã biết đến thương hiệu sản phẩm heo đen Thuận Bắc”. Có lẽ đó chính là lý do Suối Đá được huyện, xã chọn làm nơi phát triển thương hiệu “heo đen Thuận Bắc”.
Nhìn chung trên địa bàn tỉnh ta, so với các giống heo lai tạo đưa lên nuôi ở vùng cao, giống heo đen có ưu điểm vượt trội vì là giống bản địa đã quen với khí hậu và địa hình. Việc chăm sóc heo nuôi cũng nhẹ hơn và ít lo dịch bệnh gây hại nên rất thuận lợi cho người nuôi tăng đàn. Hiện nay trong ẩm thực của người dân miền đồng bằng nói chung và khách du lịch nói riêng, thịt heo đen đang được ưa chuộng và đang thay thế dần cho thịt heo rừng khan hiếm vì ngăn cấm săn bắt. Theo xu hướng nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, mô hình nuôi heo đen bản địa ở miền núi tỉnh ta đang mở ra triển vọng mới về hiệu quả kinh tế đem lại.
Bạch Thương