Nghệ nhân dùng cây mác đầu nhọn khoét vào lóng tre bật lên thành 8 dây đàn (dây phải mỏng âm thanh mới trong trẻo), mỗi dây cách nhau khoảng 2 cm, đặt chốt tre nhỏ ở hai đầu dây nâng cao hơn thân đàn. Tiếp theo vót mảnh tre thật mảnh bằng đầu ngón tay cái, khoét rãnh nối từng cặp dây lại với nhau. Ở hai đầu thân đàn dùng dây thắt chặt có tác dụng giữ căng dây đàn. Dùng dùi khoét thủng hai mắt tre tạo âm thanh vang cho thân đàn. Sau khi cây đàn đã lên hình hài thì nghệ nhân phải canh chỉnh dây đàn sao cho âm thanh có hồn. Nhìn đơn giản là vậy nhưng mỗi cây đàn Chapi người nghệ nhân đã gửi gắm tâm tình của mình vào mỗi tác phẩm.
Nghệ nhân Chamaléa Âu đang tạo ra những âm thanh quen thuộc trên cây đàn mà mình yêu quý.
Đàn Chapi thường được đồng bào Raglai mang đi nương rẫy, trong những lúc rảnh rỗi họ thường ngồi gảy đàn, tiếng đàn hòa chung với âm thanh của rừng núi tạo ra những âm thanh khác biệt, giúp họ xua tan mệt mỏi. Nhiều chàng trai Raglai còn mượn tiếng đàn để bày tỏ tình cảm với người con gái mà họ yêu mến, đối với họ tiếng đàn như hơi thở trong cuộc sống, như một tiếng lòng khó nói ra, chỉ có thể mang tiếng đàn ra thổ lộ.
Các em nhỏ rất thích khi nghe tiếng đàn chapi từ bà Pupur Thị Phốn.
Hiện tại số người đồng bào dân tộc Raglai biết làm và đánh đàn Chapi còn rất ít, có thể kể đến như Nghệ nhân Chamaléa Âu ở thôn Do, xã Ma Nới (Ninh Sơn), nghệ nhân Katơ Đôi ở xã Phước Chiến (Thuận Bắc) và bà Pupur Thị Phốn ở xã Phước Thành (Bác Ái). Họ là những người con của núi rừng và có chung một ước muốn là gìn giữ nét văn hóa của đồng bào dân tộc Raglai đối với cây đàn Chapi mộc mạc, qua lời bài hát “Ai nghèo cũng có cây đàn chapi” mà nhạc sĩ Trần Tiến đã sáng tác.
Phan Bình