Về nơi tâm linh của biển
Với các ngư dân ven biển, các đình, miếu, lăng là nơi thờ các vị tiền hiền mở cõi, các vị thần linh gắn với đặc thù nghề biển của mỗi vùng miền, trong đó tiêu biểu nhất là tục thờ cá Ông. Cá Ông (tức cá voi) là vị “thần hộ mệnh” luôn sát cánh cùng ngư dân mỗi khi ra khơi, bám biển. Do đó lăng thờ vị thần này được bà con ngư dân coi trọng, giữ gìn xem là “cõi thiêng” nơi cửa biển. Lăng thờ cá Ông (lăng Ông) là nơi ngư dân tổ chức lễ cúng tế, cầu ngư, đồng thời là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt trong dịp lễ hội vui xuân. Trong những ngày tết, Lăng Ông là nơi đầu tiên ngư dân hướng về. Theo phong tục truyền thống, ngày tết ngoài sửa sang trong gia đình, Lăng Ông được các ngư dân làng biển chỉnh trang tươm tất.
Thu mua hải sản tại Cảng cá Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: V.M
Ngày cuối năm, ngoài cúng tất niên trong gia đình, bao giờ ngư dân cũng cúng tất niên cho thuyền và Lăng Ông. Do vậy, trong suốt những ngày đầu xuân mới, Lăng Ông luôn mở cửa cho tất cả ngư dân trong thôn và những người con xa quê về đây dâng hương; tổ chức các hoạt động vui tết, sinh hoạt văn hóa- văn nghệ...Ông Diệp Nghĩa Đậu, người cai quản, trông coi Lăng Ông Nam Hải, thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh (Thuận Nam) cho biết: Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, khi những âu thuyền, lạch luồng đầy ắp những con tàu về neo đậu để sum họp, ngư dân xã Phước Dinh lại rục rịch chuẩn bị cho một mùa lễ hội cầu ngư đầu năm mới. Để tự tin vươn khơi, bám biển, ngư dân trong vùng thường đến Lăng Ông Nam Hải thắp hương, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, được mùa cá tôm”.
Ở tỉnh ta hầu hết các làng ven biển đều có Lăng Ông, trong đó còn 9 lăng ở 8 xã vẫn được ngư dân chăm lo lưu giữ. Tín ngưỡng thờ cá Ông trở thành nét văn hoá tâm linh, gắn bó, không thể tách rời đối với cư dân miền biển. Sau những ngày vui xuân, đón tết, ngư dân lại nhộn nhịp sửa soạn cho vụ cá đầu xuân mới. Bên chân sóng biển rì rào, các ngư dân hướng về Lăng Ông cầu khấn thần biển, mong một mùa đánh bắt bội thu.
Gìn giữ nét văn hóa đặc sắc
Bên cạnh những nghi thức mang đậm tín ngưỡng của cư dân vùng biển, mỗi dịp tết về các làng biển tỉnh ta tưng bừng diễn ra các lễ hội văn hoá-thể thao truyền thống. Đã thành thông lệ, cứ vào Mùng 3 Tết hằng năm, ngư dân xã Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam) lại tất bật chuẩn bị Lễ hội đua thuyền rồng, thu hút hàng ngàn khách du xuân tham gia cổ vũ. Lễ hội là một trong những sự kiện văn hóa đặc trưng, độc đáo của ngư dân vùng biển nhằm cầu mong năm mới mưa thuận, gió hòa, thuyền về tôm cá đầy khoang. Thông thường các vận động viên tham gia đều là những ngư dân trẻ, khỏe được tuyển chọn kỹ càng ở các địa phương. Mỗi đội thi có khoảng từ 20 đến 25 thành viên, tham gia tranh tài ở 3 lượt đua, mỗi lượt 800 m. Ngay sau lễ cầu ngư truyền thống, các đội đua thuyền tiến hành bơi ra cửa biển cúng Hầu Ông rồi bơi vào neo thuyền. Những chiếc thuyền tham gia đua được trang trí công phu với nhiều hoa văn đẹp mắt. Khi cờ lệnh phất, các đội đua bắt đầu xuất phát cũng là lúc tiếng cổ vũ, tiếng hò reo, tiếng trống thúc giục làm sôi động cả vùng biển.
Các đội thuyền tranh tài chinh phục đường đua
tại Lễ hội Đua thuyền rồng truyền thống của huyện Thuận Nam. Ảnh: V.Nỷ
Cũng lưu giữ riêng cho mình nét văn hóa truyền thống đặc sắc, ngư dân xã Phước Dinh (Thuận Nam) từ bao đời nay vẫn tổ chức Lễ hội Tết cổ truyền dân gian miền biển (gọi tắt là Lễ hội Xuân). Lễ hội Xuân diễn ra từ ngày mùng 3 đến mùng 5 tết, bao gồm hai phần chính, phần lễ và phần hội. Trước khi vào tổ chức lễ hội, đều có cúng “Ra Lệ” vào Mùng 3 tết, lễ vật gồm gà, hoa quả, bánh trái giản đơn. Cùng với phần lễ, nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi gồm các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa đặc sắc vùng biển như: Bơi cạn, kéo co, đua thuyền, bóng chuyền trên cát, hè cù, văn nghệ…Những vật dụng dùng trong các trò chơi dân gian ngày xuân đều được cất giữ cẩn thận tại đình làng cho đến ngày cúng “Ra Lệ” mới được đưa ra. Địa điểm tổ chức lễ hội là sân bãi bên bờ biển trước Lăng Ông Nam Hải và họng cửa bến ghe (ngày nay thuộc hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2). Nhiều năm liền giữ vai trò thành viên trong Ban lễ hội, ông Nguyễn Thái Tiển, Trưởng Ban Quản lý thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh chia sẻ: Lễ hội không chỉ hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm trong ngày xuân mà còn mang ý nghĩa tâm linh đánh dấu sự khởi đầu cho một năm mới với mong muốn mọi sự suôn sẻ, tốt đẹp, cầu cho may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cá về đầy ghe thuyền, nhân dân no đủ.
Xuân về, mặt biển thôi những con sóng bạc đầu, biển trở nên hiền hoà một màu xanh ngắt, những lễ hội văn hóa đặc sắc và nghi thức mang đậm tín ngưỡng của ngư dân ven biển góp phần tạo nên hương sắc làng biển trong mùa xuân mới. Ở đó còn chứa đựng những khát vọng, tinh thần hướng biển của ngư dân địa phương cần được gìn giữ và bảo tồn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Phạm Văn Thành, Trưởng phòng Quản lý văn hoá gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Được lưu giữ qua bao thế hệ, các lễ hội dân gian của ngư dân vùng biển vẫn giữ nguyên sức cuốn hút, hấp dẫn của nó. Để nâng cao hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy thế mạnh vốn có của địa phương, thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh, lồng ghép các tour du lịch gắn với các lễ hội, các hoạt động trình diễn dân gian miền biển như: Lễ hội Nghinh Ông ở Cà Ná, Phước Diêm gắn với lễ hội đua thuyền; ở Phước Dinh gắn với lễ hội Hè Cù; ở Đông Hải gắn lễ hội Múa Siêu; ở Thanh Hải lễ hội Múa Náp… qua đó tạo sự đa dạng, hấp dẫn nhằm “níu chân” du khách đến với Ninh Thuận.
Duy Nam