Sau khi rời khỏi Libya phải mất gần 50 giờ, vào 4 giờ sáng 26-2, nhóm 181 lao động Việt Nam tại Libya đầu tiên đã đặt chân về quê nhà, khi chuyến bay mang ký hiệu SHJ 1655 của Hãng Hàng không quốc gia Bồ Đào Nha đáp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội). Tối cùng ngày chuyến bay QR688 của Hãng Hàng không Qatar chở 94 lao động Việt Nam từ Libya đáp xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trước sự vui mừng khôn tả của người thân.
Những lao động đầu tiên từ vùng chiến sự Libya về đến sân bay Nội Bài lúc 4 giờ 25 sáng 26-2.
• Nước mắt trùng phùng
Đêm 24-2, nghe tin có chuyến bay từ Dubai (Ai Cập) về Việt Nam vào rạng sáng 25-2 chở các lao động từ Libya, Đỗ Thị Thu Huyền, cô gái 20 tuổi, quê ở huyện Nam Sách (Hải Dương), sinh viên năm thứ nhất Khoa CNTT, Trường ĐH Sư phạm 2, đã cùng bạn trai lên ra sân bay Nội Bài để chờ đón anh trai mình nhưng chờ suốt ngày 25-2 vẫn không có một chuyến bay nào mang theo các lao động từ Libya, nơi anh trai cô cùng hàng ngàn người vẫn đang mắc kẹt trong tình hình bạo loạn lan rộng.
Thêm nhiều chuyến bay về nước
Trao đổi với báo giới ngay tại sân bay Nội Bài sáng 26-2, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH), cho biết sau chuyến bay này sẽ liên tục có các chuyến bay đưa lao động Việt Nam từ Libya trở về nước để đảm bảo an toàn cho hàng ngàn lao động Việt Nam. Chuyên cơ đầu tiên này phía Vinaconex đã phối hợp tốt với đơn vị sử dụng lao động đưa thành công 176 lao động về nước. Trên tinh thần đảm bảo an toàn cho công nhân VN, nên dù chuyên cơ SHJ có tới 350 chỗ nhưng ta chỉ sử dụng một nửa công suất. Trong ngày 27-2, sẽ có hơn 100 lao động khác trở về nước.
Hàng trăm chuyến bay hạ cánh xuống, hàng ngàn người đến rồi lại đi, không có nhóm lao động nào về cả và cũng không biết trong nhóm họ có anh trai của mình không. Nhưng cô vẫn đợi ở sân bay thêm một đêm nữa khi biết chuyến bay bị mắc kẹt, phải sáng 26-2 mới có thể về tới Nội Bài.
Huyền cho biết, suốt đêm 25-2 cô không ngủ để chờ anh trai về. 4 giờ 25 rạng sáng qua, nhóm lao động Việt Nam đầu tiên, với những gương mặt bơ phờ, mỏi mệt bước ra khỏi sảnh sân bay. Trong đó, thật bất ngờ có anh trai của Huyền là Đỗ Quang Tin, một lao động vừa mới sang Libya làm việc chỉ hơn 10 tháng. Trông thấy anh trai, cô reo lên, ôm chầm lấy bạn trai mình, nước mắt nghẹn ngào. Anh trai Huyền cũng nhận ngay ra em gái mình, rơm rớm lệ.
Vai đeo túi, tay kéo valy, hai anh em Ly Seo Sáng và Ly Seo Trang ở Simacai, Lào Cai - những công nhân Vinaconex MEC vừa trở về xúc động: “Đặt chân về Tổ quốc mới thấy cái giá của hạnh phúc, yên bình”. Sáng và Trang cho biết, để đến được Libya làm công nhân họ đã phải vay ngân hàng 20 triệu đồng trang trải mọi chi phí. Trước mắt, khoản nợ của Sáng và Trang vẫn còn đó nhưng với các anh, hạnh phúc lớn nhất vẫn là được an toàn trở về quê hương trong vòng tay yêu thương của cộng đồng.
Cũng chung tâm trạng vui vẻ như Sáng và Trang, công nhân Nguyễn Minh Diệu ở Yên Dũng, Bắc Giang và Đặng Xuân Trung ở Nghi Lộc, Nghệ An hồ hởi: “Cả đội công nhân chúng tôi cùng được trở về trên chuyến chuyên cơ này, chúng tôi mừng lắm”. Anh Diệu tâm sự, anh có 7 - 8 người bạn đồng hương cùng đi sang Libya hơn 1 năm, giờ ai cũng lành lặn trở về. Còn Đặng Xuân Trung cho biết, nhóm bạn hơn chục người của anh cũng có mặt cùng đoàn tụ tại quê nhà sau bao biến cố.
Sự hân hoan của các lao động Việt Nam khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất.
• Thoát khỏi bạo loạn
Trong vòng vây của báo giới, các chàng trai Đỗ Quang Tin, Nguyễn Văn Dân (Hải Dương), Phan Văn Chung (Nghệ An) và hàng chục người đều vui mừng nói: “Chúng em quá may mắn khi thoát khỏi Libya, được lên máy bay để về Việt Nam”.
Đối với chàng trai Phan Văn Chung cũng như 181 lao động vừa về từ Libya, hành trình trở về quê hương đúng là một chặng đường đầy nguy hiểm. Anh kể, tình hình bạo loạn ở thủ đô Tripoli xảy ra 3 - 4 tuần qua. Công trường và nơi ở của các anh nằm ở ngoại ô Tripoli nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Công trường đành phải đóng cửa, nhiều nơi còn bị người ở bên ngoài tràn vào đốt phá. Chỉ sau một tuần, đồ ăn thức uống cạn sạch. Đồ đạc, tiền bạc của anh em đều bị cướp sạch. Anh em công nhân phải co cụm lại để bảo vệ nhau, tìm cách thoát khỏi Tripoli. Thậm chí nhiều người phải vào nhà thờ để lánh nạn.
Do tình hình bạo loạn ngày càng lan rộng nên nhà thầu AG (Brazil) đã thuê máy bay đưa các lao động Việt Nam về nước. Rạng sáng 24-2, hàng trăm lao động tới sân bay Tripoli tìm cách mua vé máy bay nhưng do ở đây quá tải và hỗn loạn vì cảnh người dân biểu tình, cướp bóc trong khi hàng ngàn lao động, người nước ngoài đều chen chúc nhau mua vé để sớm thoát thân khỏi Libya nên phải xếp hàng bã cả người mới mua được vé. Sau đó, họ lại phải chen chúc từ sáng sớm tới tận 4 giờ chiều mới vào được sân bay để lên máy bay. Để đảm bảo an toàn, cảnh sát sở tại buộc các lao động vứt bỏ lại hành lý nên có người chỉ kịp mang về vài bộ quần áo, thậm chí ra về tay không.
Máy bay cất cánh, chở 181 lao động Việt Nam thoát khỏi Libya nhưng phải lánh nạn sang Malta và ở đây suốt một đêm. Sau đó, khi tới sân bay Dubai lại bị tắc thêm 8 giờ nữa vì Ấn Độ không cho phép bay qua không phận nước họ, nên chuyến bay không kịp về Nội Bài vào rạng sáng 25-2. Sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ làm thủ tục xin cho bay qua Ấn Độ thì rạng sáng qua chuyến bay mới về tới Việt Nam. Tổng cộng 181 lao động (trong đó 176 người của Công ty Vinaconex MEC JSC và 5 người của Công ty Glo-tech JSC) đã bị mắc kẹt gần 50 giờ trên máy bay kể từ khi bắt đầu cuộc hành trình rời Libya.
• Về đến đây là sống rồi!
Theo kế hoạch, 18 giờ 08, chuyến bay QR688 của Hãng Hàng không Qatar chở 94 lao động Việt Nam trở về từ Libya mới hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nhưng trước đó đông đảo phóng viên cùng lãnh đạo Công ty CP Lilama 10 và đại diện Hãng Hàng không Qatar đến có mặt để chờ ngóng tin tức.
Chuyến bay đúng giờ và sau gần 30 phút làm thủ tục tại sân bay, một trong những người bước ra cổng kiểm soát đầu tiên là anh Vũ Văn Lợi, người duy nhất có người thân đón tại sân bay. Anh chạy ào đến ôm chầm lấy con gái và cả 2 bố con cùng khóc.
Chị Vũ Thanh Nga (con anh Lợi) cho biết, quê chị ở Nam Định, chị vào đây dạy học ở xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh, TPHCM). Mấy bữa nay chị không ngủ được vì lo cho bố. Điện thoại lúc liên lạc được, lúc không. Nhờ người thân làm ở Công ty CP Lilama 10 báo tin bố về sẽ quá cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, chị chạy thẳng lên đây để mong được gặp bố.
“Vậy là bình yên rồi, về đến nơi rồi!” - anh Lợi thốt lên sung sướng. Anh kể, sau khi xảy ra bạo loạn phải nằm lại sân bay mấy ngày, tưởng không về nhà được nữa. Vì cảnh biểu tình, xô đẩy, chen lấn rất hỗn loạn tại sân bay quốc tế thủ đô Tripoli của Libya. Thậm chí tại đây còn nghe được cả tiếng súng nổ.
Anh Vũ Văn Lợi hạnh phúc trong vòng tay người thân.
Còn anh Nguyễn Hữu Thu, quê ở Đan Phượng (Hà Nội) vẫn chưa lấy lại được tinh thần sau những ngày vật vờ trên đất khách. “Về được đến đây là tốt rồi, không quan tâm đến hành lý còn hay mất nữa. Lúc xảy ra bạo loạn, chúng tôi chỉ kịp gom những nhu yếu phẩm cần thiết như mì gói, sữa, nước uống. Còn lại vứt hết, thuê được ô tô là chạy để thoát thân. Từ nơi làm việc tại thành phố Misurata về đến thủ đô Tripoli hơn 250km, phải chạy đường tắt, trong khi dân chúng cầm dao, kiếm đứng hai bên đường. Cũng may khi dừng xe lại, khi biết người Việt Nam họ thả cho đi” - anh Thu kể lại.
Anh Vũ Văn Thọ, quê ở Đô Lương (Nghệ An), cho biết đây là lần thứ 2 anh sang Libya làm việc và mới chỉ mới qua được hơn 1 tháng. Hôm đó đang làm tại công trường thì có tin bạo loạn xảy ra. Anh em công nhân được quán triệt không được ra ngoài, sau đó mỗi người góp 70 dinar (tiền Libya - tương đương khoảng 1 triệu đồng Việt Nam) để thuê xe về thủ đô Tripoli.
Về đến sân bay thấy cả biển người nằm vật vạ trong cái lạnh dưới 5°C kèm theo mưa. Có tiền cũng không thể mua được thức ăn, vật dụng nên mọi người phải nằm ở ngoài trời và ăn mì gói sống. Mạng di động Libyana cũng tặng 20 dinar (gọi được 10 phút về Việt Nam) để liên lạc với gia đình nhưng nghẽn mạng liên tục. “Về đến đây là mừng rồi. Về đến đây là sống rồi!” - anh Thọ nói trong nước mắt.
Riêng ông Phạm Khắc Tuyên, trưởng đại diện Lilama 10 tại Libya chờ đến khi các lao động làm xong thủ tục đi Hà Nội mới tâm sự: “Những ngày qua, để tìm được cách đưa các lao động về nước quả là căng thẳng. Làm thế nào để chạy thoát được khỏi nơi bạo loạn, làm thế nào để thuê được chuyến bay chở công nhân về nước. Chứng kiến từng đoàn người biểu tình đập phá, hò hét chen lấn ở sân bay… đầu lúc nào cũng căng như dây đàn”.
Có mặt tại sân bay, ông Đỗ Văn Thưởng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lilama 10, cho biết toàn bộ 106 lao động của công ty làm việc tại Libya đã trở về nước an toàn.
Những niềm vui xen lẫn nỗi lo, gần 200 công nhân đầu tiên từ Libya đang trên đường trở về quê hương, hội ngộ với gia đình, bạn bè sau bao khó khăn vất vả. Những nỗ lực kịp thời, trách nhiệm của các cơ quan chức năng đã phần nào làm họ yên lòng. Nhưng nỗi lo công việc và tương lai vẫn đang là một gánh nặng đè lên vai mỗi người công nhân mà phần đông trong số họ đều là nông dân, vay tiền để ra nước ngoài lao động với hy vọng kiếm được chút vốn “dắt lưng” về nước làm ăn sau này.
Lập 5 đoàn công tác sơ tán lao động khỏi Libya
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi sáng 26-2, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm yêu cầu thành lập 5 đoàn công tác hỗ trợ sơ tán lao động khỏi Libya.
Ngay trong đêm 26 và ngày 27-2, các đoàn công tác hỗn hợp của Việt Nam sẽ lên đường đến các nước láng giềng của Libya là Tunisia, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Hy Lạp. “Ban chỉ huy tiền phương” của các đoàn công tác sẽ đóng ở Tunisia (quốc gia gần nhất với điểm nóng Tripoli, Libya).
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân, hiện còn khoảng 5.000 lao động Việt Nam ở Libya. Khoảng 5.000 người đã thoát khỏi Libya sang các nước láng giềng. Trong đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 1.444 người, Hy Lạp có 700 người, Tunisia có 600 người, đảo Síp có 139 người… Các đoàn công tác sẽ mang theo lương thực, nước uống để hỗ trợ lao động. “Quan điểm của ban chỉ đạo là bằng mọi cách đưa lao động Việt Nam về nước an toàn” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định. Theo chỉ đạo của Chính phủ, có thể thuê thêm máy bay của các hãng nước ngoài để đưa lao động VN về nước.
Nguồn Báo SGGP