Nghĩ về "Cái gốc" của người thầy thuốc

Trong xã hội có “bách nghệ” (trăm nghề) nhưng có thể nói ít có nghề nào lại được toàn xã hội tôn vinh và trọng vọng như nghề thầy thuốc. Và cũng theo đó, hiếm có nghề nào lại được toàn xã hội yêu cầu rất cao không chỉ ở lương tâm nghề nghiệp như nhiều nghề khác mà phải là “y đức”. Có như vậy mới thấy nghề y cần đến tấm lòng biết nhường nào hay nói khác hơn “y đức” là gốc của người thầy thuốc. Trong thư gửi Hội nghị quân y ngày 03/1/1948, Bác Hồ kính yêu đã viết: “Người ta có câu: Lương y kiêm từ mẫu, nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải là một mẹ hiền…” Nói nôm na là người thầy thuốc phải coi sự đau đớn của người bệnh như mình đau đớn; phải chịu khó, chịu khổ và giàu lòng bác ái, hy sinh…

Trong thực tế, trên cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã có không ít những tấm gương thầy thuốc hết lòng vì người bệnh; chịu khó đào sâu nghiên cứu các tiến bộ của y học để vừa làm chủ được các trang thiết bị khám, chữa bệnh hiện đại vừa có chuyên môn sâu để đẩy lùi nhiều căn bệnh nguy hiểm cứu người. Nhiều thầy thuốc bác sĩ đã mạnh dạn xung phong đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, chấp nhận gian khổ, khó khăn, thiếu thốn… thậm chí còn hy sinh một phần cuộc sống riêng tư… chỉ để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nơi đây vốn đang thiếu bàn tay của các “từ mẫu” mỗi khi bệnh tật… Nếu như không có “y đức” thì liệu những thầy thuốc đó có chấp nhận về phần mình những thiệt thòi, gian khổ!

Điều cũng cần nói thêm rằng trong xã hội đây đó vẫn còn những thầy thuốc đã bị “thị trường” hóa lương tâm, thiếu sự đồng cảm, chạy theo làm giàu trên nỗi đau bệnh tật của người bệnh. Lẽ ra phải có nghĩa vụ đem sự hiểu biết của mình để cứu người như số đông thầy thuốc khác thì ngược lại tham vọng kiếm thật nhiều tiền từ sự hiểu biết đó. Vô hình trung họ đã tự đánh mất sự ngưỡng vọng của xã hội dành cho bằng tôn xưng “thầy thuốc” để trở thành “con bệnh” của chính mình. Có người đã nhận xét rằng: Nếu thầy thuốc mà không yêu người, không yêu nghề mà chỉ xem nghề thuốc là phương tiện làm giàu bất kể lương tâm, đạo đức thì một ngày không xa những thầy thuốc đó sẽ phải chịu sự trừng phạt của "tòa án lương tâm" và sự lánh xa của xã hội.

Hy vọng rằng xã hội ngày càng phát triển, tiêu cực trong ngành y sẽ bị đẩy lùi và ánh sáng của “y đức” ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong “nghề thuốc”. Bác Hồ đã dạy: đạo đức là gốc của người cách mạng, gốc của người thầy thuốc là lương y phải như từ mẫu. Tin rằng lời Bác luôn được thấm nhuần đối với đội ngũ thầy thuốc hôm nay và mai sau.