Những hình ảnh tàn sát dã man đối với đồng bào ta ở các tỉnh biên giới Tây Nam của bọn lính Pon Pốt khiến cho lũ chúng tôi là những học sinh năm cuối lớp 11,12 với tuổi đời mười tám đôi mươi, nung nấu lòng căm thù, sẵn sàng gác bút lên đường nhập ngũ. Không ít những bạn thiếu cân, sức khỏe yếu, chưa đủ tuổi, đủ điều kiện cũng hăng hái tình nguyện lên đường, có bạn đã viết đơn bằng máu của mình để được vào bộ đội, được chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trả thù cho bà con vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc.
Đơn vị tình nguyện chúng tôi là những người đang công tác tại các cơ quan dân chính, là những học sinh cấp 3 (THPT bây giờ)... nghĩ rằng sẽ lên biên giới tức thì để chiến đấu vậy mà chúng tôi lại chuyển lên xe về Tiểu đoàn 15 Thuận Hải để huấn luyện (nay là Đại đội Thông tin, Trinh sát BCH Quân sự tỉnh), bao nhiêu hoài bão nung nấu tưởng rằng đã vỡ tan. Nhưng thật may, hơn 1 tháng huấn luyện trên thao trường, anh em chúng tôi được biên chế vào các đại đội ở các huyện An Sơn, Ninh Hải, Thuận Hải của tỉnh lúc bấy giờ để truy quét tàn quân Phun Rô.
Song cuộc chiến ở biên giới Tây Nam ngày càng ác liệt, nên chúng tôi được điều động về đóng quân tại cổng sân bay Thành Sơn (nay là nơi đóng quân của Trung đoàn 896, BCH Quân sự tỉnh) và tiếp tục huấn luyện. Bước vào những tháng cuối năm 1978, đơn vị chúng tôi được tăng cường vào C3 thuộc Tiểu đoàn 482 Thuận Hải. Lúc bây giờ, nhóm lính trẻ chúng tôi lòng rất háo hức, song các đồng chí lớn tuổi đã có nhiều kinh nghiệm thì suy tư, nào là chuyện gia đình, nào là vợ con và tết Nguyên đán sắp đến nữa. Tuy nhiên, không khí khá vui vẻ và rộn ràng bởi Đoàn văn công của tỉnh ra phục vụ, đơn vị tổ chức thi đấu thể thao, xe pháo nhộn nhịp như ngày hội. Bạn học cùng lớp nhân dịp này kéo nhau lên thăm “chú bộ đội”, thì thầm to nhỏ, nắm tay chúc mừng, vui lắm. Chúng tôi được đơn vị trang bị quân trang, quân dụng, súng đạn 1 cơ số, trông oai ra phết các bạn ạ.
Đùng một cái, chúng tôi được các cơ quan dân chính Đảng và BCH Quân sự tỉnh Thuận Hải ra công bố mệnh lệnh và phát lệnh lên đường ngay lập tức. Anh em chúng tôi lúc này là lính mới, với quân hàm binh nhất, binh nhì chỉ biết được đi là vui lắm rồi, chứ đã tình nguyện đi “lính” mà quanh quẩn trong tỉnh thì chán chết. Ấy vậy mà nghe các đồng chí lớn tuổi thì thầm to nhỏ, là đi đánh bọn Pôn Pốt, chúng tôi mừng lắm, coi như lần này là được toại nguyện rồi, để trả thù cho người dân vùng biên giới Tây Nam, có vậy chứ… Nói các bạn đừng cười, lúc bấy giờ những đứa bạn như chúng tôi hăng lắm, ai cũng muốn được cầm súng ra chiến trường thôi.
Ngày N đã tới, tiểu đoàn chúng tôi được biên chế đầy đủ và được xe Ca chở đi hành quân trên Quốc lộ 1A theo hướng Bắc.Ra tới ngã ba Bà Di thuộc tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Bình Định), theo Quốc lộ 19 chạy tới tỉnh Gia Lai-Kon Tum và Đắc Lắc. Sau 2 ngày hành quân bằng xe Ca, chúng tôi tới Đức Cơ, cửa khẩu biên giới Việt Nam - Cam Pu Chia (CPC). Vượt sông Sêrêpôk tới tỉnh Natanakiry của CPC, ở đây mới thấy chiến trường thật ác liệt. Dọc đường hành quân, đơn vị chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, tiếng súng liên tục nổ đì đùng vang lên xé tan bầu không khí yên ắng. Cuộc giao tranh ác liệt giữa của quân giải phóng CPC và quân tình nguyện Việt Nam với bọn diệt chủng Pôn Pốt sắp bắt đầu…
Tối đến, đơn vị chúng tôi dừng chân đóng quân tại rừng Khộp (cây dầu lá to) thuộc tỉnh Mun đun Ki Ri. Lần đầu tiên chúng tôi biết thế nào là chiến trường, đêm đến đơn vị chia ra nhiều tổ canh gác đều các hướng. Mặc dù được huấn luyện trong nước, nhưng thực tế tại chiến trường chúng tôi vẫn chưa kịp thích nghi. Khi mắc võng, cây dầu tuy to hơn hai gang tay nhưng khi nằm thì hai ngọn cây nó quỵt vào nhau khiến đáy võng sát đất, không nằm được, phải nhờ những đồng chí thủ trưởng có kinh nghiệm trận mạc giúp dùm. Có bạn lo loay hoay mắc võng, ba lô để trên chiếu đơn, trên đất, chỉ một một đàn mối rào rào đi qua như vậy là toi đi cái cái chiếu và đáy ba lô lổ chổ, đồ đạc rơi ra gần hết.
Dọc đường hành quân chúng tôi được các thủ trưởng, chính trị viên đại đội quán triệt rõ: Chúng ta là quân tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, chỉ được hưởng ba loại đó là “không khí, củi, nước”, nghĩa là không được lấy cái gì của bạn, dù cây kim, sợi chỉ… Chúng tôi là lính mới nên chỉ việc răm rắp chấp hành vô điều kiện. Lúc này nước bạn đang là mùa khô, cây trái chín đầy, tài sản của nhân dân CPC bỏ lại vô số kể, chúng tôi không tơ hào, táy máy vừa là chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, vừa là sợ bị địch gài mìn KP2…
Những đêm đầu tiên ở chiến trường, khi gác đêm, một gốc cây, bụi cỏ lúp xúp cũng gây cảm giác như kẻ địch đang dòm ngó. Các bạn biết không, khi mắt ta quan sát nhìn lâu vào một vật, mình cứ ngỡ là nó vật di động, là kẻ địch, trên tay luôn sẵn sàng nổ súng. Đôi mắt ngái ngủ, cay xè nhưng phải căng ra để nhìn cho rõ, nếu không là nổ súng nhầm. Vậy mà vẫn có chốt nghe tiếng bước chân, đi trên gỗ mục kêu răng rắc như ám tín hiệu của bọn Pôn Pốt, thế là một loạt AK tuôn ra khỏi nòng, cả đơn vị bừng tỉnh, đồng chí đại trưởng phát lệnh sẵn sàng chiến đấu, tưởng là bọn Pôn Pốt tập kích vào đội hình đóng quân của đơn vị.
Sau một hồi không nghe tiếng súng bắn trả, tiểu đội trinh sát báo về là đàn trâu, bò của dân đi ăn đêm, lúc này mới vỡ òa ra là lính ta bắn nhầm, lập tức đại đội trưởng mời cả đơn vị thức dậy quán triệt thật kỹ… Hôm đó, chúng tôi có một đêm nhớ đời trên đất bạn.
Đơn vị chúng tôi tiếp tục hành quân tới tỉnh S.Trung-Treng vào lúc đêm đến, chúng tôi buộc phải đóng quân trong rừng già. Vì là đêm sát Tết nên trời tối đen như mực, chẳng thấy được gì, sáng bật dậy nhìn xung quanh toàn là đầu lâu, xương người… của Việt kiều và người CPC. Thật là khủng khiếp! sau thời gian nghỉ chờ lệnh, đơn vị chúng tôi tiếp tục hành quân vượt sông Strung- treng lên tỉnh Preah Vihear, tỉnh kết nghĩa với Thuận Hải.
Từ đây, chúng tôi bước vào cuộc chiến đấu mới với phiên hiệu T19, Đoàn 330, Mặt trận 579, Quân khu V. Đến tháng 5-1979, đơn vị chúng tôi được tỉnh Thuận Hải và Quân khu bổ sung tiểu đoàn tình nguyện D16 thêm vào với những chú lính, già có, trẻ có, nhưng đa số là chiến sỹ trẻ. Thời đó mọi người gọi chúng tôi là quân “Xô Viết” với túi bòng, áo quần sopioost trông rất bảnh trai. Thời gian này, đơn vị chúng tôi được đổi thành phiên hiệu Đoàn 5504, Mặt trận 579, Quân khu V.
Cuộc chiến xảy ra ngày càng ác liệt, ban ngày chúng tôi chia nhau truy quét bọn tàn quân Pôn Pốt, bộ phận còn lại bắt tay xây dựng chính quyền cách mạng CPC. Đêm đến, thay nhau canh gác nhằm cảnh vệ, phòng chống chính quyền hai mặt, vì lúc này tàn quân Pôn Pốt bắt đầu nổi dậy, trà trộn vào người dân CPC hòng cướp chính quyền cách mạng non trẻ của nhân dân CPC một lần nữa, nên chúng tôi phải tiếp tục ở chiến đấu cùng với những mùa khô chiến dịch, từ giải Đăng rếch, núi Hồng, đồi 547 (tọa độ) tới Chùa tháp Preah Vihear…
Ngay thời điểm đó, biết bao đồng đội mãi mãi ra đi, không trở về với đất mẹ. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục ở lại chiến đấu và giúp bạn cho đến 1989, khi chính quyền cách mạng non trẻ của bạn trưởng thành và tự đảm nhận nhiệm vụ xây dựng đất nước mình. Từ đó, quân tình nguyện Việt Nam mới thực sự trở về Tổ quốc sau gần 10 năm tình nguyện giúp bạn… Trong số trở về đó, có người vẫn ở lại phục vụ trong quân đội, có người ra quân, chuyển sang ngành nghề khác tiếp tục cống hiến và dựng xây quê hương đất nước, có người còn mang những vết thương và bệnh tật trong người…
Nhìn lại 40 năm qua, ngày 7 tháng Giêng năm 1979, kỷ niệm ngày giải phóng CPC, chúng tôi còn sống và tự hào được trở về đất mẹ, càng nhớ thương các đồng đội đã hy sinh, một số còn nằm lại nơi đất bạn. Để có ngày hôm nay, chúng ta càng không thể nào quên, xin tưởng nhớ và tri ân những con người đã ngã xuống vì sự nghiệp chung của dân tộc, vì sự hồi sinh của đất nước Campuchia. Chúng tôi nguyện sống tốt hơn để xứng đáng với tinh thần bất diệt đó.
Đỗ Hồng Kỳ