Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về văn hóa, ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trưng bày, triển lãm, chiếu phim,... phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, tết, các sự kiện của tỉnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 282-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật do Bộ VHTT-DL và các tỉnh, thành phố tổ chức, ngành VHTT-DL đã đạt nhiều thành tích cao. Nổi bật, tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Tiếng hát miền Đông lần thứ XVIII-năm 2018 tại Bà Rịa-Vũng Tàu đạt được là 1 HCV và 5 HCB; tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số miền Trung lần thứ III tại tỉnh Quảng Nam năm 2018, đạt 2 bằng khen, 3 giải A, 2 giải B và 4 giải C.
Tiết mục múa của Công an Tp.Phan Rang-Tháp Chàm tại Hội diễn
nghệ thuật quần chúng lần thứ XII năm 2018. Ảnh: Lê Thi
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các các đoàn nghệ thuật, Đội tuyên truyền lưu động, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng…tổ chức hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, chiếu phim trên 1.000 buổi nhân các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh, đất nước; biểu diễn, tuyên truyền về biển đảo, xây dựng nông thôn mới, phục vụ nhân dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...thu hút gần 1 triệu lượt người xem. Ngoài ra, ngành còn tổ chức nhiều hoạt động VHTT-DL, hội thi- hội diễn, vui chơi giải trí…tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân.
Công tác quản lý di sản tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội và quản lý di tích lịch sử văn hóa; triển khai Luật Di sản văn hóa, thông tư, nghị định và các văn bản khác trên lĩnh vực quản lý di sản văn hóa. Ngành đã lập hồ sơ trình Tổ chức UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp; “Lễ bỏ mả của người Raglai” đã được Bộ VHTT-DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Hoàn thiện hồ sơ khoa học xếp hạng 2 di tích và 2 danh thắng cảnh cấp tỉnh trình UBND tỉnh ban hành Quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh... Các sự kiện văn hoá này thu hút được sự quan tâm đông đảo của công chúng, du khách và nhân dân tỉnh nhà. Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp, như: Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm… đã bổ sung, sưu tầm nhiều loại hình sách báo, hiện vật, hình ảnh, đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị…tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, triển lãm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ của cán bộ và nhân dân địa phương cũng như du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập.
Đồng chí Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL, cho biết: Trong năm qua, công tác quản lý nhà nước các lĩnh vực văn hóa được triển khai sâu rộng, đồng bộ đã góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thông tin, cổ động, triển lãm, hoạt động văn hóa, văn nghệ đã được triển khai rộng khắp tới vùng sâu, vùng xa, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh. Các hoạt động tham gia liên hoan văn hóa, văn nghệ cấp khu vực và toàn quốc, các diễn viên của tỉnh đạt được nhiều thành tích tốt, từ đó quảng bá thêm được hình ảnh về văn hóa, con người, danh lam thắng cảnh của tỉnh.
Phát huy những thành tích đã đạt được, năm 2019, ngành VHTT-DL tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành. Tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh. Tham mưu, hướng dẫn công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh trong năm 2019. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động số 282-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đẩy nhanh xây dựng kế hoạch, lộ trình, quy trình, thủ tục, các tiêu chí theo quy định, nghiên cứu và làm rõ giá trị di tích tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai gắn với hệ thống tháp Chăm các tỉnh miền Trung để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới trong những năm tới. Phối hợp triển khai việc lập và trình UNESCO công nhận Lễ hội Katê là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Xuân Bính