Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: trong năm 2018, từ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực của các chương trình, dự án toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo được 2.902 LĐNT. Trong đó, từ nguồn kinh phí Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tổ chức và đào tạo được 2.654 LĐ, đạt 102,08% so với kế hoạch đề ra, với tổng kinh phí ước thực hiện 5, 4 tỷ đồng. Tỷ lệ LĐ có việc làm hoặc vận dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế lao động sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập sau khi học nghề ước đạt 85,87%, góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 56,86%. Đã có trên 28,05% LĐ được đào tạo chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và hướng đến dịch vụ.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận thực hành hệ thống điều hòa ô tô. Ảnh: Văn Nỷ
Một trong những giải pháp hiệu quả đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong năm mà tỉnh luôn chú trọng đó là gắn việc đào tạo với giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, trong năm đã tổ chức đào tạo được 814 LĐ thuộc các ngành nghề phi nông nghiệp, tiêu biểu như nghề may công nghiệp tại Công ty Dệt May Quảng Phú, Công ty Cổ phần May Tân Tiến, Hợp tác xã Mông Nhuận tại huyện Ninh Phước, Công ty may Cam Ranh. Thu nhập của người LĐ sau học nghề từ 3,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng/người/tháng; đào tạo 166 LĐ thuộc nghề chế biến thủy sản với tổng kinh phí thực hiện trên 355 triệu đồng cho Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Thông Thuận, thu nhập bình quân từ 3,7 triệu đồng/người/tháng. Đào tạo 1 lớp nghề đan len/28 LĐ với tổng kinh phí 93 triệu đồng do Công ty Cổ phần Bảo Chung Ninh Thuận tổ chức; thu nhập bình quân của người LĐ từ 2,5 triệu đồng trở lên.
Riêng đối với đào tạo nghề nông nghiệp, trong năm 2018, tỉnh ta tập trung đào tạo nghề gắn với mô hình sản xuất, chủ yếu là thực hành tại địa bàn sản xuất, phục vụ cho nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, sản xuất công nghệ cao và an sinh xã hội nông thôn. Trong đó tập trung vào một số dự án, ngành nghề làm ăn hiệu quả, như: Đào tạo nghề thuyền trưởng-máy trưởng, thuyền viên tại các địa phương ven biển như thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) và các xã Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh (Thuận Nam). LĐ sau khi đào tạo đã biết sử dụng kiến thức đã học vào trong nghề của mình, đảm bảo điều kiện hành nghề trên biển, được chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ đánh giá rất cao. Hay như mô hình trồng cây bưởi da xanh tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), xã Phước Hà (Thuận Nam); trồng nho an toàn, măng tây xanh ở xã Xuân Hải (Ninh Hải); trồng cây mì ở xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) cũng cho kết quả khả quan. Qua đào tạo, người LĐ đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho gia đình, ổn định đời sống, tiến đến giảm nghèo bền vững.
Trong năm 2019, tỉnh ta phấn đấu tổ chức đào tạo nghề cho 2.600 LĐNT, kinh phí đào tạo trên 5.8 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ LĐ có việc làm hoặc vận dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế LĐ sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập sau khi học nghề tối thiểu đạt 82%. Để thực hiện hiện mục tiêu trên, ông Trần Văn Trưa, cho biết thêm: Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của toàn xã hội về vai trò đào tạo nghề gắn với việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn; đồng thời khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề; xây dựng kế hoạch mở lớp và tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT gắn với các sản phẩm chủ lực, tái cấu trúc ngành Nông nghiệp, kế hoạch xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp. Ưu tiên đào tạo nghề cho LĐNT là người khuyết tật, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân…
Thế Quang