* Trong nước:
- Ngày 8-12-1961: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương Nam Đàn.
Nói chuyện với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Người nhấn mạnh:
“Tất cả cái gì về quốc kế dân sinh ở Nghệ An là các cô, các chú phụ trách. Muốn như thế thì phải nắm vững nguyên tắc gì? Một là, nguyên tắc đoàn kết nội bộ. Hai là, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Muốn làm tốt việc ấy, còn phải gì nữa? Phải dân chủ nội bộ. Muốn dân chủ nội bộ tốt thì cần gì nữa? Phải phê bình, tự phê bình. Cái này nó dính cái khác”.
Bác cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề: “Trồng cây gây rừng là rất quan trọng... Bác có kinh nghiệm trồng cây trong 5 năm là có thu hoạch... Nếu trồng cây nào tốt cây ấy thì trong 5 năm lợi rất to... Nông thôn của ta, nhà ở của đồng bào phần nhiều đang ọp ẹp, tối tăm, chẳng ra làm sao cả... Dân sinh là cái gì? Là cái ăn, cái mặc, cái ở. Ba cái đó đều rất quan trọng. Ăn mình tăng gia sản xuất được. Mặc, mình tăng gia sản xuất được. Chứ còn nhà ở thì sao? Muốn làm nhà ở phải có cái gì? Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Nếu bây giờ trở đi không trồng cây cho tốt thì lấy gỗ đâu?”.
- Ngày 7-12-2017: Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.
Nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Các câu chuyện trong Bài Chòi là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân.
* Thế giới:
- Ngày 8-12-1999: Các nhà khoa học phát hiện ra sự sống của vi khuẩn dưới lớp băng ở Nam Cực.
Trong khi nghiên cứu những lớp băng của hồ Vostok, một trong những hồ nước ngầm cổ ở sâu dưới lớp băng dày tại Nam Cực, bằng kỹ thuật sóng vô tuyến, một nhóm các nhà khoa học Mỹ, Nga, Pháp đã phát hiện ra những vi khuẩn sống trong mẫu khoan địa chất lấy lên từ độ sâu ba nghìn sáu trăm mét của hồ Vostok.
Phát hiện này chứng tỏ vẫn có sự sống trong môi trường cực lạnh, không có nguồn thức ăn và ánh sáng; đồng thời giúp các nhà khoa học có cái nhìn mới về sự sống ở Nam Cực. Vostok là hồ nước sâu thứ 4 thế giới và là hồ nước lớn nhất trong số 400 hồ băng ngầm ở Nam Cực, được tạo thành khoảng 60 triệu năm về trước khi các mảng lục địa dịch chuyển, và nó bị cô lập cách đây từ 15 đến 25 triệu năm.
- Ngày 8-12-2016: Loài hươu cao cổ tại châu Phi lần đầu tiên đứng bên bờ vực tuyệt chủng.
Theo Sách Đỏ do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) biên soạn được công bố : số lượng loài hươu cao cổ đã giảm tới 40% kể từ năm 80 của thế kỷ 20 do các hoạt động săn bắn trái phép và việc mở rộng diện tích nông trại tại châu Phi. Tính đến nay, số lượng loài này đã giảm xuống chỉ còn 98.000 con từ ước tính 152.000-163.000 con trong năm 1985.
Đây là lần đầu tiên, IUCN xếp hươu cao cổ vào danh sách loài động vật “dễ tổn thương” có nguy cơ tuyệt chủng, đi ngược với mức đánh giá “không đáng quan ngại” trước đó khi việc giảm đáng kể số lượng loài này tại nhiều vùng rộng lớn thuộc khu vực phía Nam sa mạc Sahara hầu như không được chú ý tới.
Theo IUCN, loài hươu cao cổ đối diện với nguy cơ tuyệt chủng do việc mở rộng diện tích nông trại để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho số lượng người dân đang ngày càng gia tăng và do bị giết hại để xẻ thịt, thường ở các khu vực xung đột như Nam Sudan. Bên cạnh đó, nguy cơ này còn xuất phát từ nguyên nhân hạn hán và biến đổi khí hậu.
Theo TTXVN