* Liên hợp quốc ủng hộ nghị quyết phản đối vũ khí hạt nhân.
Ngày 5-12, Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một nghị quyết phản đối vũ khí hạt nhân do Nhật Bản đề xuất với sự đồng thuận cao.
Trong suốt 25 năm qua, Nhật Bản đã liên tục đưa ra những đề xuất tương tự nhằm kêu gọi các nước từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nghị quyết lần này nhận được sự ủng hộ của 162 nước, trong khi 4 nước phản đối gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Nga và Syria. 23 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Mỹ, một đồng minh quan trọng của Nhật Bản.
Cùng ngày, ĐHĐ LHQ cũng thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước thành viên nhanh chóng phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, mà đến nay đã có 69 nước ký thông qua và 19 nước phê chuẩn. Để có hiệu lực, hiệp ước này cần phải có 50 nước phê chuẩn.
* Trung Quốc và Mỹ sự đồng thuận Donald Trump - Tập Cận Bình.
Trước đó, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thủ đô Buenos Aires của Argentina ngày 1-12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí hoãn áp thuế bổ sung trong khi hai nước tiến hành đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại trong vòng 90 ngày.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm bên lề thượng đỉnh G-20.
Theo đó, Mỹ hoãn tăng thuế từ mức10% hiện nay lên 25% đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua một lượng lớn các mặt hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại, đồng thời giảm và dỡ bỏ thuế đánh vào mặt hàng ôtô nhập khẩu từ Mỹ xuống dưới mức 40% hiện nay.
Ngày 4-12, Tổng thống Trump đã để ngỏ khả năng kéo dài "đình chiến thương mại" quá thời hạn 90 ngày, đồng thời cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận.
* Rác thải nhựa làm ô nhiễm những tầng sâu nhất của đại dương.
Các hạt nhựa cực nhỏ đã "chu du" tới những vùng sâu và xa nhất của trái đất, cụ thể là tầng đáy của những vùng nước sâu nhất của đại dương và làm ô nhiễm khu vực này.
Các chuyên gia cảnh báo tầng đáy đại dương đang trở thành một trong những "vựa" rác thải nhựa lớn nhất trên trái đất, có nguy cơ gây ra những tác động hủy hoại đối với hệ sinh thái.
Rác thải nhựa từ lâu được biết đến là nguồn sản sinh ra những hóa chất độc hại thấm vào đất và nước, gây hại cho sức khỏe con người. Những nghiên cứu trước đó cho thấy kể từ năm 1950, hơn 9 tỷ tấn nhựa được sản xuất và thải ra đại dương. Tìm ra "đường đi" của nhựa sẽ giúp xác định những tác động của tình trạng ô nhiễm nhựa ở đại dương.
Theo ước tính, đến năm 2025, cứ 3 tấn cá ngoài đại dương sẽ có 1tấn rác nhựa và đến năm 2050, lượng rác loại này trên thế giới sẽ lên tới 12 tỷ tấn, nhiều hơn cả số cá trên các đại dương cộng lại.
HL (tổng hợp)