30 năm kể từ Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS lần đầu tiên vào năm 1988, Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá những tiến bộ về chẩn đoán, điều trị bệnh và nỗ lực phòng ngừa bệnh chưa tương xứng với tham vọng của cộng đồng quốc tế và cần phải tăng cường việc tầm soát và phát hiện bệnh hơn nữa.
Hơn 77 triệu người đã bị nhiễm HIV, và hơn 35 triệu người đã tử vong do các bệnh liên quan đến AIDS. Năm nay, Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS, được chính thức tổ chức vào ngày 1-12, có khẩu hiệu: "Hãy biết về tình trạng nhiễm bệnh của mình!"
Tuần hành nhân Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS tại Lahore, Pakistan.
Trong một thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS, Tổng Thư ký LHQ, ông António Guterres (An-tô-ni-u Gu-te-rết) khẳng định: “Những tiến bộ đáng kể đã được thực hiện trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh này, và những nỗ lực phòng ngừa đã giúp ngăn chặn hàng triệu người bị nhiễm virus HIV. Tuy nhiên, mức độ của những tiến bộ kể trên chưa tương xứng với tham vọng của cộng đồng quốc tế".
Người đứng đầu tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh cũng nhấn mạnh rằng số lượng các ca nhiễm HIV mới chưa giảm mạnh, một số khu vực bị tụt lại phía sau, và phương tiện tài chính không đầy đủ. Ông Guterres cũng cho rằng "kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn cản trở những người có nguy cơ nhiễm virus tiếp cận với công tác phòng chống và dịch vụ điều trị, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao nhất, cụ thể là người đồng tính, những người hành nghề mại dâm, người chuyển giới, tiêm chích ma túy, tù nhân và người di cư, cũng như phụ nữ và trẻ em gái". Ngoài ra, 1/4 số người đang chung sống với HIV không biết rằng họ mang virus và do đó họ không có các quyết định, biện pháp cần thiết về phòng ngừa, điều trị bệnh cũng như tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ khác.
Theo Tổng Thư ký LHQ, vẫn còn thời gian để tăng cường việc tầm soát, phát hiện người nhiễm HIV; mở rộng tiếp cận điều trị; tăng nguồn lực cho công tác phòng chống các bệnh nhiễm trùng mới; và chấm dứt sự kỳ thị. Ông nhấn mạnh: "Con đường chúng ta lựa chọn sẽ quyết định tiến trình đại dịch - hoặc chúng ta sẽ thanh toán AIDS từ nay đến năm 2030, hoặc chúng ta sẽ để cho các thế hệ tương lai tiếp tục mang gánh nặng của căn bệnh khủng khiếp này".
Trong một báo cáo được công bố tuần trước, Chương trình LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS) kêu gọi tăng cường nỗ lực để tiếp cận 9,4 triệu người đang sống chung với HIV mà không biết bản thân bị nhiễm bệnh. Báo cáo cho thấy rằng một trong những rào cản lớn nhất để tầm soát và phát hiện ra những người nhiễm bệnh là tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử. Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cũng lưu ý rằng sự kỳ thị và thiếu nhận thức là hai yếu tố chính ngăn cản người di cư biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, khiến họ càng dễ bị tổn thương hơn với AIDS.
Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), bà Audrey Azoulay (Ô-đrây A-du-lây) cho rằng thanh niên cũng là những người dễ bị tổn thương, chính vì thế giáo dục tình dục cho giới trẻ là rất cần thiết để bảo vệ họ tránh khỏi HIV. Bà Azoulay nhấn mạnh: "Kiến thức, hiểu biết giúp bảo vệ giới trẻ. Bên cạnh việc tuyên truyền cho thanh niên về cách phòng chống HIV và tiếp cận xét nghiệm, giáo dục giới tính cũng cho phép họ phát triển các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày lành mạnh và an toàn hơn".
Theo TTXVN