* Nhật Bản sở hữu tàu sân bay đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai
Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản sẽ sở hữu tàu sân bay. Đây được coi là nỗ lực của Nhật Bản để đối trọng với Hải quân Trung Quốc tại Thái Bình Dương.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định nâng cấp hai tàu sân bay trực thăng lớp Izumo trở thành hàng không mẫu hạm để chúng có thể vận chuyển và làm nơi chiến đấu cơ xuất kích.
Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản.
Kế hoạch này nằm trong hướng dẫn quốc phòng dự kiến công bố trong tháng 12.
Trong khi đó, tờ Nikkei đưa tin rằng Nhật Bản sẽ mua 100 tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ với giá hơn 8,8 tỷ USD. Trên thực tế, Nhật Bản đã mua 42 chiếc F-35 từ Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya trong tuần này phát biểu trước phóng viên về kỳ vọng đối với việc nâng cấp Izumo sử dụng cho nhiều mục đích. Tờ Mainichi Shimbun đưa tin tàu sân bay đầu tiên của Nhật Bản kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai sẽ được điều động bảo vệ các hòn đảo ở vùng biển Tây Nam quốc gia này.
* Gruzia có nữ tổng thống đầu tiên.
Ngày 2911, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Gruzia thông báo bà Salome Zurabishvili - ứng cử viên của đảng "Giấc mơ Gruzia" cầm quyền – đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Như vậy, bà Zurabishvili đã trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước này.
Kết quả kiểm phiếu cuối cùng cho thấy bà Zurabishvili giành được 59,52% số phiếu bầu. Trong khi đó, đối thủ còn lại là ứng cử viên của Phong trào Dân tộc thống nhất Grigol Vashadze, đến từ liên minh 11 đảng đối lập do cựu Tổng thống lưu vong Mikheil Saakashvili của Phong trào Dân tộc Thống nhất đứng đầu, giành được 40,48% số phiếu ủng hộ. Trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, hơn 3,5 triệu người đủ tư cách bỏ phiếu và tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 56,23%.
Bà Zurabishvili, 66 tuổi, hiện là một nghị sỹ độc lập trong Quốc hội. Bà từng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao trong chính quyền của cựu Tổng thống Saakashvili vào năm 2004. Tuy nhiên, bà bị cách chức sau một năm đảm nhận cương vị trên.
* Đức và Pháp phản đối gia tăng trừng phạt Nga
Truyền thông Đức đưa tin rằng sau cuộc họp bí mật tại Brussels ngày 28-11, các nhà ngoại giao Đức và Pháp đều phản đối gia tăng các lệnh trừng phạt hiện nay của Liên minh châu Âu (EU) với Nga vì cuộc đụng độ trên Eo biển Kerch giữa hải quân Nga và Ukraine.
Thay vào đó, chính phủ Đức và Pháp muốn duy trì nỗ lực ngoại giao dưới hỗ trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) được cho có thể đóng vai trò quan trọng trong giải quyết vụ việc tại Eo biển Kerch.
Trong một diễn biến liên quan, qua cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đánh giá hòa giải là không cần thiết bởi chính phủ Nga và Ukraine có khả năng tự giải quyết vấn đề.
Cả Liên minh châu Âu (EU) cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều đã lên tiếng đề nghị Nga và Ukraine giảm căng thẳng.
HL (tổng hợp)