Các nhà lãnh đạo thế giới đang hoàn tất những công việc chuẩn bị cuối cùng cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ngày 30-11 và 1-12 tới tại Argentina. Hội nghị G20 năm nay, diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang ở thời điểm nguy kịch, có thể trở thành một hội nghị G20 quan trọng nhất kể từ Hội nghị thượng đỉnh năm 2009 diễn ra tại London (Anh) trong "cơn bão" khủng hoảng tài chính quốc tế. Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự hội nghị đến từ Mỹ, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản (nước sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch G20 vào năm 2019 và tổ chức hội nghị tại Osaka), Indonesia, Australia, Nga, Brazil, Anh, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Italy, Đức, Canada, Hàn Quốc, Argentina, Mexico và Liên minh châu Âu (EU). Nhìn chung, những cường quốc nói trên chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu, 80% thương mại thế giới và khoảng 66% dân số toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh năm ngoái diễn ra tại Hamburg (Đức) là hội nghị đáng nhớ nhất do những chia rẽ giữa các nước lớn trong G20, đặc biệt giữa Mỹ và các nước EU chủ chốt, liên quan đến những vấn đề như thương mại quốc tế, di cư và biến đổi khí hậu. Chắc chắn các bên không thể có những bất đồng hoàn toàn trong những lĩnh vực nói trên, ví dụ, họ cùng thừa nhận tầm quan trọng của việc giới hạn mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, song do sự phản đối của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, những bất đồng quan trọng đã được bộc lộ xung quanh những biện pháp để bảo vệ tham vọng này, và rút cục ông Trump đã bị cô lập khi mà 19 nước ủng hộ, song chỉ có mình nước Mỹ phản đối vấn đề này.
Điểm đáng chú ý khác là sự xung đột giữa hành động hối thúc của Thủ tướng Đức Angela Merkel vì một G20 tái khẳng định mạnh mẽ đối với thương mại thế giới, với chiến thắng của Trump với giọng điệu ngờ vực trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị thượng đỉnh rằng các nước có thể bảo vệ thị trường của họ với “những công cụ bảo vệ thương mại hợp pháp”.
Chủ đề tương tự này dường như cũng trở thành tâm điểm tại các cuộc họp trong năm nay, với việc Bắc Kinh và Washington đã bị bế tắc nhiều tháng qua trong điều mà có thể khiến họ rơi vào một cuộc chiến thương mại, với việc Trump áp đặt mức thuế quan trị giá khoảng 250 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, và để trả đũa Trung Quốc đã áp thuế trị giá khoảng 110 tỷ USD đối với hàng hóa đến từ Mỹ. Tuần trước, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết ông đã thấy trước một cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh tại G20 sau một cuộc khẩu chiến gia tăng khi hội nghị thượng đỉnh APEC khép lại hồi đầu tháng này.
Vào ngày 22-11, Trump một lần nữa bày tỏ sự lạc quan về khả năng đạt được bước đột phá trong vấn đề thương mại với Trung Quốc trước ngày 1-1-2019, thời điểm vòng trừng phạt mới của Mỹ sẽ tăng mức thuế lên tới 25% đối với một loạt hàng tiêu dùng. Khi điều đó chưa xảy ra, Trump rõ ràng đang tìm kiếm thêm nhiều “củ cà rốt” đàm phán từ phía Bắc Kinh sau khi ông khẳng định hồi đầu tháng này rằng danh sách 142 đề nghị nhượng bộ là “không thể chấp nhận được”.
Tuần trước, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết khả năng leo thang tranh chấp thương mại Mỹ-Trung diễn ra tại thời điểm khó khăn trong hệ thống thương mại quốc tế, với việc các nước G20 áp dụng khoảng 40 biện pháp hạn chế thương mại mới trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 10, đối với khoảng 481 tỷ USD hàng hóa giao dịch thương mại. Khoảng 75% các hạn chế thương mại mới nhất là việc tăng thuế đột xuất, nhiều trong số này là trả đũa việc Trump áp thuế nhôm và thép nhập khẩu hồi tháng 3/2018. Những hạn chế mới này là lớn nhất kể từ khi WTO bắt đầu giám sát một cách cụ thể thương mại G20 trong năm 2012.
Tuy nhiên, một lần nữa, điều đáng chú ý đối với G20 năm nay là tổ chức này được coi là đã thay thế G7, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, như một diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế và quản trị kinh tế toàn cầu. Đã một thập kỷ trôi qua kể từ khi G20 được nâng cấp từ một diễn đàn của các bộ trưởng tài chính trở thành diễn đàn của các nguyên thủ quốc gia hiện nay- một bước tiến được chào đón với sự phô trương đáng kể, trong đó có cả người mà sau này trở thành Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khi ông tuyên bố rằng “G20 dự báo sự quản trị hành tinh của thế kỷ 21”.
Tuy nhiên, sự thật là cho đến nay diễn đàn này đã thất bại trong việc nhận thức quy mô đầy đủ của tham vọng vốn đang chịu sức ép trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế. Điểm nhấn của sự thất bại là những hội nghị G20 không có cơ chế chính thức để đảm bảo thực thi những thỏa thuận của các nhà lãnh đạo thế giới. Những quốc gia bên ngoài G20 cũng quan ngại về sự đoàn kết của tổ chức này, vốn được Mỹ đề xuất thành lập ban đầu vào những năm cuối của thập kỷ 90 của thế kỷ trước cùng với các nước trong G7. Trong khi các nước được lựa chọn tham gia theo theo tiêu chí như dân số, GDP…, thì những nước chỉ trích cho rằng tổ chức này đã bỏ sót Nigeria, đôi khi còn được gọi là “người khổng lồ của châu Phi”, quốc gia có dân số lớn gấp 3 lần dân số của Nam Phi.
Cựu Ngoại trưởng Na Uy Jonas Gahr Store đã từng gọi G20 là “một trong những bước lùi lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai” bởi thể chế này đã làm xói mòn ý nghĩa toàn cầu về đa phương hóa của Liên hợp quốc (LHQ). Phản ánh điều này, Đại hội đồng LHQ đã triệu tập một hội nghị LHQ về Khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm 2009 như một diễn đàn thay thế.
Tóm lại, trong khi G20 vẫn chưa đáp ứng được những kỳ vọng ban đầu, thể chế này tiếp tục là một diễn đàn mà các nước thành viên đánh giá cao trước thềm diễn ra hội nghị ở Argentina. Diễn đàn năm nay có thể được nhớ đến một cách đặc biệt do nó tạo cơ hội cho Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được bước đột phá trong giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Theo TTXVN