Những con số đáng báo động
Ngày 19-11, cảnh sát thành phố Chicago cho hay một tay súng đã nổ súng tại một bệnh viện ở thành phố thuộc bang Illinois (Mỹ). Đối tượng xả súng đã bắn chết một bác sĩ ngay bên ngoài bệnh viện Mercy. Sau khi gây án, đối tượng tiếp tục xông vào bãi đỗ xe của bệnh viện và nã đạn vào một phụ nữ. Vụ việc khiến 4 người thiệt mạng (kể cả hung thủ) và 2 người bị thương, đồng thời khiến nhiều người có mặt tại hiện trường hoảng loạn.
Cũng trong ngày 19-11, nước Mỹ còn ghi nhận một vụ xả súng khác khi có 4 người đã bị nã đạn ở gần khu vực Coors Field, thành phố Denver, thuộc bang Colorado. Cảnh sát địa phương cho biết, một trong số các nạn nhân đã thiệt mạng. Công tác điều tra đang được tiến hành nhằm làm rõ động cơ gây án. Các thông tin khác liên quan vụ việc, bao gồm cả các đối tượng tình nghi, hiện chưa được công bố.
Trước đó chưa đầy 2 tuần, vào tối ngày 7-11, một tay súng đã lao vào xả súng tại quán bar ở California, Mỹ khiến ít nhất 12 người, bao gồm một sĩ quan cảnh sát, thiệt mạng và khoảng 15 người bị thương. Chưa hết, vào ngày 27-10, một vụ xả súng nhằm vào cộng đồng người Do Thái đã xảy ra tại giáo đường Do Thái Tree of Life ở đồi Squirrel của thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ, đã làm 11 người chết và 6 người bị thương. Đây được coi là vụ tiến công đẫm máu nhất nhằm vào người Do Thái trong lịch sử cận đại của nước Mỹ…
Các vụ xả súng xảy ra liên tục trên cho thấy tần suất các vụ xả súng xảy ra ngày càng nhiều ở Mỹ. Theo thống kê, tình trạng bạo lực súng đạn ở Mỹ trong 263 ngày đầu năm 2018 (tức là khoảng 8 tháng) đã cho thấy một con số đáng báo động với 262 vụ xả súng hàng loạt. Thuật ngữ "xả súng hàng loạt" được quy định rõ khi có trên 4 người chết hoặc bị thương bởi một vụ xả súng mà không bao gồm kẻ tấn công. Tính tổng cộng kể từ năm 2013 đến nay, đã có hơn 1.800 vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ. Trong đó, riêng năm 2015 có hơn 330 vụ; năm 2016 có hơn 380 vụ; và năm 2017 có hơn 340 vụ… Như vậy, tính trung bình thì hầu như ngày nào ở Mỹ cũng có một vụ xả súng hàng loạt kể từ năm 2015 đến nay. Ước tính mỗi ngày có tới khoảng 90 người Mỹ thiệt mạng vì bạo lực súng đạn.
Theo Liên hợp quốc, không một quốc gia phát triển nào trên thế giới lại phải đối mặt với mức độ bạo lực súng đạn cao như Mỹ. Tỉ lệ này cao gấp 6 lần so với Canada, hơn 7 lần so với Thụy Điển và gần 16 lần so với Đức. Đây cũng là lý do chính khiến Mỹ có tỉ lệ người bị sát hại, trong đó có cả những người bị giết không phải vì súng, cao hơn nhiều so với các nước phát triển khác.
Một số liệu thống kê quan trọng khác cho thấy tính tới tháng 10-2018, Mỹ là nước có tỉ lệ sở hữu súng tư nhân cao nhất thế giới. Năm 2017, số lượng súng dân dụng ước tính ở Mỹ là 120,5 khẩu súng/100 người. Tuy dân số Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới song tổng sản lượng súng đạn của người dân nước này sở hữu lại lên tới gần 50% tổng sản lượng súng đạn của toàn thế giới. Điều này cho thấy tình trạng sở hữu súng đạn tràn lan và phổ biến tại Mỹ.
Đây được xem là những con số báo động cho thấy sự cần thiết phải thông qua luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ.
Bài toán về kiểm soát súng đạn
Dường như đã trở thành một thói quen của người dân Mỹ, cứ sau mỗi vụ xả súng, các cuộc biểu tình, tranh luận về súng cũng như bạo lực súng đạn lại nổ ra trên toàn nước Mỹ, thậm chí một vài dự luật về vấn đề này cũng được đưa ra. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, vấn đề này lại bị lãng quên và dang dở mà không có lời giải đáp cuối cùng.
Chính vì vậy, dù Mỹ là quốc gia có mức độ bạo lực súng đạn cao hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào, song cho tới thời điểm này, Quốc hội Mỹ vẫn chưa triển khai được hành động đáng kể nào nhằm ngăn chặn những thảm kịch "thảm khốc" tương tự có khả năng xảy ra trong tương lai.
Lý giải nguyên nhân khiến những nỗ lực phản đối bạo lực súng đạn hay kêu gọi kiểm soát súng đạn ở Mỹ không mang lại kết quả, có lẽ phải hiểu được về tình hình sở hữu súng và bạo lực súng đạn ở Mỹ, cũng như cả mối quan hệ vô cùng đặc biệt của người Mỹ với súng, điều khác biệt với bất cứ nước phát triển nào. Thực tế, tập quán sở hữu súng đã ăn sâu vào trong tiềm thức mỗi người dân Mỹ. Quyền sở hữu súng đã được quy định trong Hiến pháp Mỹ và Quốc hội xem việc sở hữu súng là một trong những quyền cơ bản của con người. Những ý kiến cực đoan còn cho rằng nước Mỹ là nơi nguy hiểm luôn rình rập và việc mang theo súng phòng vệ là điều cần thiết để bảo toàn mạng sống cho bản thân. Ở nhiều bang của Mỹ, việc mua súng dễ như mua một món đồ chơi. Chỉ cần trên 21 tuổi, có địa chỉ rõ ràng, không cần kiểm tra sức khỏe tâm thần là có thể dễ dàng sở hữu ngay một khẩu súng ngắn. Trong khi đó, độ tuổi được sở hữu các loại súng trường chỉ là 18.
Bởi vậy cho đến nay, việc quản lý sử dụng súng vẫn luôn là đề tài nóng, gây rất nhiều tranh cãi tại Quốc hội và chính trường Mỹ. Trong nhiều năm trở lại đây, luật sở hữu súng tư nhân vẫn được xem là một “chủ đề nhạy cảm” đối với nước Mỹ và phải vượt qua nhiều "ải", trong đó có giới Cộng hòa bảo thủ và Hiệp hội Súng đạn Mỹ (NRA) - nhóm vận động hành lang đầy quyền lực thường lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sĩ Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình. Với doanh thu 3,5 tỷ USD mỗi năm từ việc bán súng đạn, chắc chắn NRA không dễ dàng từ bỏ ngành kinh doanh đầy lợi nhuận này, thậm chí, nhóm này còn được cho là đang tìm cách nới lỏng một quy định siết chặt, trong đó có đạo luật cho phép người dân mang súng từ bang này sang bang khác.
Và vì vậy, sau mỗi lần xảy ra các vụ xả súng đẫm máu ở Mỹ, tuy các chính trị gia của nước này đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ về bạo lực súng đạn, song nó mới chỉ dừng ở những lời tuyên bố. Trong khi người dân Mỹ thì vẫn đang trông chờ chính quyền phải thể hiện ở những hành động cụ thể hơn là lời nói, để các vụ xả súng đẫm máu không được phép tiếp diễn.
Theo TTXVN