Bước phát triển mới của quân đội Triều Tiên
Trong một động thái mới nhất liên quan đến chương trình hiện đại hóa quân đội của Triều Tiên, ngày 16-11 vừa qua, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nước này vừa thử nghiệm thành công vũ khí chiến thuật công nghệ cao. Loại vũ khí hiện đại này đã được phát triển trong thời gian dài dưới sự chỉ đạo của Đảng Lao động Triều Tiên để phục vụ mục đích bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và đặc biệt là để cải thiện sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un ca ngợi đây là "một thành tựu mới" và là một sự đổi mới nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của Triều Tiên. Việc phát triển loại vũ khí này đã được đưa vào trọng tâm phát triển quân đội của nước này từ thời các nhà lãnh đạo trước của Triều Tiên là Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Đây cũng là sáng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm chuyển hướng trụ cột chính của sức mạnh quân sự thông thường từ lực lượng quân đội với gần 1,3 triệu người sang vũ khí công nghệ cao. Kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thúc đẩy hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất vũ khí và thay thế các loại chiến cụ, công nghệ đã lỗi thời. Hiện tại, theo một thống kê ước tính của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc năm 2016, quân đội Triều Tiên đang có trong biên chế khoảng 5.500 hệ thống MLRS, 4.300 xe tăng, 2.500 xe bọc thép, 810 máy bay chiến đấu, 430 tàu chiến, 70 tàu ngầm.
Phản ứng sau sự kiện trên, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước này tin rằng các cam kết phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 6 vừa qua tại Singapore sẽ vẫn được triển khai đầy đủ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc thử nghiệm vũ khí mới của Triều Tiên lần này vẫn có thể khiến diễn biến khu vực Đông Bắc Á đi theo chiều hướng mới, trực tiếp thách thức sức mạnh của Mỹ và các đồng minh, và có thể ảnh hưởng ít nhiều đến tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên vốn đang tiến triển chậm.
Tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều còn chậm
Triển vọng để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên vốn bế tắc từ rất nhiều năm qua đã được mở ra từ thành công của hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều (ngày 12-6-2018) với việc Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký kết một văn kiện chung, trong đó Triều Tiên cam kết "phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên" và Mỹ cũng cam kết về các "đảm bảo an ninh" với Triều Tiên. Khi đó, thế giới đã ca ngợi sự kiện này là một bước tiến giúp tháo gỡ vấn đề hồ sơ hạt nhân Triều Tiên vốn bế tắc bao lâu nay.
Tuy nhiên, dù ca ngợi như vậy song các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, Tuyên bố chung được hai nhà lãnh đạo ký kết hồi tháng 6 còn quá chung chung, chưa bao gồm một lộ trình hay thời gian biểu nào cụ thể cho việc thực hiện các mục tiêu chung về phi hạt nhân hóa và hoà bình.
Và mặc dù đến nay, phía Mỹ vẫn khẳng định Mỹ và Triều Tiên vẫn đang duy trì đối thoại để triển khai tất cả những cam kết trên, song thực tế là kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đến nay, tiến trình đàm phán triển khai thỏa thuận này giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn rơi vào bế tắc. Các nhà quan sát ghi nhận kết quả tích cực kể từ sau hội nghị trên chỉ dừng ở việc Triều Tiên trao trả hơn 50 bộ hài cốt binh lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953); hay việc nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ đã có những bình luận tốt dành cho nhau; Triều Tiên cũng không phô diễn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong cuộc duyệt binh mừng 70 năm quốc khánh (ngày 9-9-2018)…
Còn thực tế, ngoài những tín hiệu tích cực trên thì dường như hai bên vẫn chưa thực sự vượt qua được rào cản lớn trong tiến trình phi hạt nhân. Trong khi Mỹ muốn trước hết Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, sau đó mới dỡ bỏ lệnh trừng phạt, thì Bình Nhưỡng lại muốn các lệnh trừng phạt của Mỹ phải được dỡ bỏ và sự bảo đảm an ninh từ phía Wasington. Phía Mỹ còn cho rằng, Triều Tiên đang chủ ý làm chậm tiến trình khi không cung cấp một danh sách đầy đủ và có kiểm chứng vũ khí, tên lửa và năng lực hạt nhân.
Phải đến cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (tháng 9-2018), nhà lãnh đạo Kim Jong-un mới lần đầu tiên vạch ra một lộ trình cụ thể hơn về phi hạt nhân hóa, trong đó đề cập khả năng đóng cửa vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon, đồng ý để các thanh sát viên quốc tế tới bãi thử tên lửa của nước này. Đây được xem là một bước tiến dài so với Tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hồi tháng 6.
Sự kiện trên được cho là đã mở lối để Washington và Bình Nhưỡng cùng tái khởi động các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, vốn bế tắc trong hơn 3 tháng trước đó kể từ cuộc gặp Mỹ-Triều lịch sử tại Singapore ngày 12-6-2018.
Sau đó, vào tháng 10-2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Bình Nhưỡng để thảo luận với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về việc cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận một số địa điểm thử hạt nhân quan trọng. Khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhận được sự đồng ý của ông Kim Jong-un về việc cho phép các thanh sát viên quốc tế tới bãi thử Punggye-ri mà nước này tuyên bố đã phá hủy hồi tháng 5-2018.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những tiến triển này mới chỉ dừng ở những lời hứa và cam kết. Còn thực tế, tương lai hòa bình trên bán đảo Triều Tiên lại phụ thuộc rất nhiều vào từng hành động cụ thể của cả Mỹ và Triều Tiên.
Theo TTXVN