* Trong nước:
- Ngày 17-11-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi Hội nghị Hòa bình ở Việt Nam” nhân sự kiện thành lập Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam. Thư khẳng định: “Nhân dân Việt Nam ta cũng như nhân dân các nước trên thế giới đều yêu chuộng hòa bình, để xây dựng một xã hội dân chủ tốt đẹp… Muốn giữ hòa bình một cách thiết thực thì phải ra sức chống đế quốc chủ nghĩa” và cuộc kháng chiến của Việt Nam “chính là đang chặt cái gốc chiến tranh đế quốc, đang giúp sức bảo vệ hòa bình”. Vì vậy, nhiệm vụ của mọi người là “đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ toàn dân Việt Nam, để kháng chiến lâu dài, để đánh tan bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ”.
Tàu chở hàng đi qua kênh đào Suez (Ai Cập)
- Ngày 17-11-1954: Việt Nam - Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Mông Cổ là một trong những nước bạn bè luôn sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc giành độc lập dân tộc.
Những năm gần đây, mối quan hệ Việt Nam và Mông Cổ tiếp tục được củng cố vững chắc. Hai nước luôn ủng hộ, giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ với nhau trên con đường xây dựng và phát triển đất nước. Mông Cổ luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại Khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hai nước đã ký nhiều hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa giáo dục, khoa học và các lĩnh vực khác... Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 67,9 triệu USD.
- Ngày 17-11-2004: Công bố thương hiệu “Bát Tràng - Việt Nam -1000 năm truyền thống”.
Sự kiện này mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển hàng ngàn năm của làng nghề Bát Tràng. Đây cũng là phương tiện quan trọng để các sản phẩm gốm Bát Tràng đến với thị trường quốc tế.
Dự án được tài trợ bởi Quỹ phát triển khu vực tư nhân Mê Công (MPDF) của Ngân hàng thế giới.
Hiện nay, hơn 80% người dân trong làng sinh sống bằng nghề sản suất gốm sứ, với tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm lên đến hơn 40 triệu USD. Sản phẩm của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc... Sự phát triển sản xuất nhanh chóng tại đây cũng tạo đủ việc làm cho người dân địa phương và các vùng lân cận.
* Thế giới
- Ngày 17-11-1869: Khánh thành kênh đào Suez của Ai Cập.
Khởi công vào ngày 25-4-1859, kênh đào Suez có chiều dài 163 km, sâu 17m, rộng 150m nối liền Địa Trung Hải với Biển Đỏ, kết nối châu Âu, châu Á và khu vực châu Phi-Trung Đông.
Kể từ khi được mở cửa lưu thông, kênh đào Suez đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của giao thương thế giới. Hiện đây là một trong những con đường huyết mạch chính của tuyến lưu thông hàng hóa từ Đông sang Tây, có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông đến các nền kinh tế phát triển.
Tháng 8-2015, kênh đào Suez mới có chiều dài 72 km chạy song song với kênh đào Suez cũ, xây dựng trước đó 1 năm đã được khánh thành.Với kênh đào mới, Ai Cập kỳ vọng nâng doanh thu từ tuyến hàng hải huyết mạch này lên 13,5 tỉ USD vào năm 2023.
- Ngày 17-11-2005: Nga, Italy và Thổ Nhĩ Kì khởi công đường ống dẫn dầu “Dòng suối xanh” (Blue stream pipeline), có chiều dài 1.213 km, với công suất vận chuyển là 16 tỷ mét khối khí một năm, đưa khí đốt xuất phát từ miền Nam nước Nga, qua biển Đen sang miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là kết quả hợp tác giữa ba nước Nga, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đường ống dẫn đầu “Dòng suối xanh” có kinh phí xây dựng lên tới 3,2 tỷ USD, góp phần đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một hành lang năng lượng nối liền Đông và Tây Âu. Dự án này được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết lần đầu tiên vào năm 1997 và là dự án duy nhất được thực hiện với sự tham gia của hàng nghìn chuyên gia đến từ ba nước Nga, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo TTXVN