Là sân chơi thường niên cho các bạn trẻ từ 6 đến 19 tuổi có niềm đam mê sáng tạo, Cuộc thi STTTNNĐ tỉnh Ninh Thuận tập trung ở 5 lĩnh vực: Đồ dùng học tập, phần mềm tin học, sản phẩm thân thiện với môi trường, các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Đây cũng là cái nôi ươm mầm cho nhiều tài năng sáng tạo trẻ.
Tại Cuộc thi STTTNNĐ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XI vào năm 2017, giải pháp “Học tốt sinh học” của nhóm tác giả: Trần Thị Tuyết Mai, Nguyễn Đình Hân, Nguyễn Thị Bích Hà, học sinh (HS) lớp 12A1, Trường THPT Tôn Đức Thắng (Ninh Hải) giành giải Nhất. Tham dự Cuộc thi STTTNNĐ toàn quốc lần thứ XIII- năm 2017, giải pháp này vinh dự giành giải Khuyến khích. Ngoài tính năng nổi trội hệ thống hóa toàn bộ kiến thức lý thuyết của chương trình sinh học THPT một cách chuẩn xác nhất, phần mềm “Học tốt Sinh học” còn có các bộ đề thi thử trắc nghiệm đa dạng, phù hợp với xu hướng ra đề thi THPT quốc gia hiện nay. Bên cạnh đó, phần mềm còn cung cấp những câu hỏi, giải đáp thú vị liên quan tới sinh học trong tự nhiên. Nhờ đó mà việc học môn Sinh học trở nên thú vị hơn.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Thuận Nam) với mô hình
máy ấp trứng mini dùng cho hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ.
Tại Cuộc thi STTTNNĐ lần thứ XII vào năm 2018, Trường THPT Tôn Đức Thắng lại một lần nữa giành giải Nhất cuộc thi này. Đó cũng là một giải pháp ở lĩnh vực phần mềm với tên gọi “Trò chơi học tốt Tiếng Anh” của nhóm tác giả: Võ Trung Hậu, Nguyễn Quốc Kha, Nguyễn Thị Kim Phụng, HS lớp 11A3. “Trò chơi học tốt Tiếng Anh” cung cấp cho người học lượng câu hỏi trắc nghiệm theo từng bài trong sách giáo khoa chương trình mới hiện nay. Dựa trên phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”, “Trò chơi học Tiếng Anh” giúp cho việc học Tiếng Anh của HS trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng và đạt hiệu quả cao. Giải pháp này đã đạt giải Khuyến khích ở Cuộc thi STTTNNĐ toàn quốc lần thứ XIV năm 2018.
Điểm chung của hai phần mềm này là HS có thể cài đặt miễn phí trên các dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android mà phần lớn HS trên địa bàn tỉnh đang sử dụng và dễ dàng sử dụng khi không cần đến mạng di động. Hiệu quả, tiện ích là vậy nhưng đến nay, các giải pháp này mới chỉ sử dụng được phổ biến trong phạm vi Trường THPT Tôn Đức Thắng. Thầy giáo Trần Quốc Cường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo khoa học, Trường THPT Tôn Đức Thắng cho biết: Thầy và trò trong câu lạc bộ luôn mong muốn, sau mỗi cuộc thi, các giải pháp đoạt giải sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo giới thiệu phổ biến rộng rãi để HS trường khác có thể sử dụng. Điều này không chỉ tạo động lực thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo của HS mà còn góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” trong các đơn vị nhà trường. Từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Không chỉ các sản phẩm nêu trên, trải qua 12 lần tổ chức, Cuộc thi STTTNNĐ tỉnh Ninh Thuận đã cho ra đời nhiều giải pháp có tính ứng dụng cao. Trong đó, có nhiều giải pháp có nội dung liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phù hợp với đặc thù của tỉnh nhà như: Hệ thống tưới nước tự động và tiết kiệm cho nhà vườn của tác giả Ngô Kim Long, HS lớp 11TN2, Trường THPT Nguyễn Trãi; giải pháp máy hốt lúa của nhóm tác giả Nguyễn Đức Hoàng Luân, Võ Quang Trọng Phát, HS lớp 11A1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm); giải pháp máy ấp trứng mini dùng cho hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ của nhóm tác giả: Đinh Văn Luận, Đỗ Trung Kiên, HS lớp 11C3, Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Thuận Nam) hoặc liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn giao thông như: Giải pháp Móc treo nón bảo hiểm thông minh của nhóm tác giả Cao Hoàng Tấn, Nguyễn Nhật Thanh Tân, HS lớp 11TN3, Trường THPT Nguyễn Trãi hay những giải pháp thiết thực trong việc bảo vệ môi trường như: Giải pháp Thùng rác xanh của nhóm tác giả Lương Việt Hoàng Linh, Tạ Thị Thùy Duyên, HS lớp 11 Lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, mô hình xe quét rác, hút bụi cải tiến của nhóm tác giả Phạm Thanh Tịnh, Phạm Hoàng Nam, HS lớp 7/1 Trường THCS Lý Tự Trọng (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm)… cùng nhiều giải pháp trong hỗ trợ dạy và học. Điều đáng tiếc là đến nay gần như không có giải pháp nào được triển khai ứng dụng vào thực tiễn.
Ông Phạm Châu Hoành, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, để động viên, thu hút nhiều hơn nữa HS tham gia phong trào thi đua sáng tạo, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể cần chú ý quan tâm, giới thiệu và đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp vào thực tiễn sản xuất, phát triển kinh tế và đời sống. Trong đó, vai trò chính vẫn là ngành Giáo dục và Đào tạo và đơn vị Tỉnh đoàn.
Ngọc Diệp