Hiệu quả mô hình nuôi heo không thả rong tại xã Lợi Hải

Xã Lợi Hải (Thuận Bắc) là một trong 2 địa phương của tỉnh xây dựng mô hình “nuôi heo không thả rong” được đánh giá mang lại hiệu quả cao. Sau hơn 3 năm đưa vào hoạt động, mô hình đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, làm sạch đường làng, ngõ xóm, mang lại mỹ quan cho tuyến đường nông thôn tại địa phương.

Trước đây, đa phần hộ dân xã Lợi Hải chăn nuôi heo thả rong trong khu dân cư, với số lượng khoảng 800-1.000 con, đã phóng uế một lượng phân và nước tiểu khá lớn trong thôn xóm. Vì không được thu gom, xử lý nên ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của cộng đồng như: làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, đời sống, sinh hoạt người dân, mất mỹ quan thôn xóm…Trước thực tế đó, năm 2015, Đảng ủy xã Lợi Hải Hải đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về việc triển khai thu gom rác thải và nuôi heo không thả rong trên địa bàn xã. Trên cơ sở đó, UBND xã đã tổ chức họp dân lấy ý kiến xây dựng mô hình “nuôi heo không thả rong” và nhận được sự đồng thuận cao.

Ảnh: Minh Khai.

Để thực hiện hiệu quả mô hình, xã đã thành lập Tổ vay bắt heo thả rong liên thôn gồm 19 thành viên, có nhiệm vụ bắt nhốt heo thả rong ngoài đường và thu phí phạt. Trong quá trình thực hiện, tổ đã bắt, tạm giữ 34 con heo, thu phí chuộc 30 con, bán thanh lý 4 con, với tổng số tiền thu được 13,4 triệu đồng. Qua việc vay bắt heo, thu tiền phạt, người dân có ý thức hơn, đã xây chuồng trại cho heo và không chăn thả rong nữa. Ông Katơr Sống, thôn Bà Râu 2, cho biết: Trước đây, tôi không làm chuồng, chăn thả rong gia súc, phóng uế làm dơ bẩn các tuyến đường nội thôn. Được xã vận động, tuyên truyền, tôi và nhiều hộ dân đã xây dựng chuồng trại, quản lý vật nuôi của mình. Từ đó, thấy các tuyến đường làng, ngõ xóm sạch đẹp hơn, không có mùi hôi thối, khó chịu.

Được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt mô hình, thôn Suối Đá đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả cao. Ông Nguyễn Thanh Thành, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Ngay từ đầu triển khai mô hình, thôn đã đưa nội dung này vào hương ước, quy ước của thôn, khen, phạt rõ ràng đối với các hộ vi phạm. Xác định công tác vận động, tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, những cán bộ, trí thức trong thôn tiên phong, gương mẫu thực hiện trước. Song song đó, thôn mời những người có uy tín trong làng, tộc họ tham gia vận động bà con, mặt khác thôn duy trì các biện pháp mạnh như: thu phạt, mổ heo vi phạm. Nhờ đó, ý thức bà con được nâng lên, hiện nay 100% người dân trong thôn không chăn thả rong gia súc và đã xây dựng chuồng trại xa khu dân cư.

Ông Trần Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Thay đổi tập quán, thói quen nuôi heo thả rong của đồng bào Raglai trong quá trình thực hiện, xã gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự vào cuộc của hệ thống chính trị địa phương, mô hình đã lan tỏa sâu rộng, góp phần thực hiện tiêu chí số 17 (môi trường) xây dựng nông thôn mới tại địa phương.