Theo báo cáo, toàn tỉnh có 27 xã thuộc 6 huyện với khoảng 180.000 người là đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi cư trú; trong đó, có 14 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) và 13 xã khu vực II. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi theo tinh thần Nghị quyết số 44 của HĐND tỉnh, nhìn chung diện mạo khu vực nông thôn tại nhiều xã đã có những thay đổi đáng kể; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất và phục vụ đời sống của người dân; một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi được triển khai thành công và nhân rộng đã góp phần cải thiện thu nhập đáng kể cho bà con; đời sống, giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở vùng miền núi ngày một nâng cao; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được chú trọng. Đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo miền núi còn 27,1%, giảm trên 4% so với năm 2016.
Quang cảnh Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát công tác phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Ảnh: NS
Theo đánh giá của Đoàn giám sát HĐND tỉnh, công tác phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền núi gần đây có chuyển biến, tuy nhiên vẫn chưa thật sự đạt được mục tiêu và các chỉ tiêu cơ bản đề ra so với Nghị quyết 44. Số hộ đã thoát nghèo còn thiếu tính bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh đã giải trình và làm rõ thêm một số vấn đề các thành viên Đoàn giám sát yêu cầu như: cơ chế phối hợp thực hiện giữa Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành liên quan; việc tụt tiêu chí nông thôn mới của một số xã; các chính sách hỗ trợ đã được triển khai đúng đối tượng; vấn đề giải ngân một số nguồn vốn tại các huyện.
Đối với các kiến nghị của Ban Dân tộc tỉnh, Đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp và có đề xuất kịp thời lên ngành chức năng giải quyết.
* Trước đó, ngày 17-10, Đoàn giám sát đã có buổi làm việc với UBND huyện Thuận Bắc về nội dung trên.
N.Sơn