Kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Ninh Hải có bước phát triển khá, chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Ông Trần Ngọc Tuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Hải cho biết: Để nghị quyết “bám rễ” vào cuộc sống, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã không ngừng tuyên truyền, phổ biến nội dung nghị quyết, nâng cao nhận thức về vai trò của cán bộ, hội viên nông dân và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tích cực các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thời gian qua, Hội đã phối hợp Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông, Trường Cao đẳng nghề mở trên 90 lớp dạy nghề cho 2.700 lượt nông dân, bình quân mỗi năm 2 lớp/xã, thị trấn, với các ngành nghề như chăn nuôi dê, bò, cừu, trồng cây măng tây xanh, sử dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, trồng trọt, nghề nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch…làm tốt công tác tư vấn nghề, giới thiệu việc làm cho nông dân tham gia xuất khẩu lao động. Ngoài ra, hàng trăm lượt hộ nông dân sản xuất giỏi đã giúp đỡ về vốn, vật tư và tạo viêc làm cho nhiều hộ nghèo có công ăn việc làm để vươn lên thoát nghèo, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể, từ 7,76% (năm 2102) xuống còn 3,8% vào cuối năm 2017.
Nông dân huyện Ninh Hải tham quan mô hình giống lúa thuần chế biến CB 3988.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tổ chức phát động phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; duy trì và nhân rộng các mô hình nông dân sản xuất giỏi ở cơ sở như: Tri Hải, Xuân Hải, Tân Hải, Nhơn Hải. Để tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, Hội đã tổ chức dịch vụ tư vấn hỗ trợ nông dân, vận động nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đến nay được hơn 780 tỷ đồng, triển khai giải ngân dự án với tổng số tiền trên 3,5 tỷ đồng/123 hộ. Ngoài ra, hội nông dân huyện còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn giải ngân vốn sản xuất theo mô hình Tổ nông dân vay vốn, với tổng dư nợ trên 197 tỷ đồng, với 74 tổ/4.487 lượt hộ; phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân vốn vay ưu đãi gần 71 tỷ đồng/3.088 hộ.
Ông Trần Ngọc Tuân, cho biết thêm: Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong thời gian đến, Hội Nông dân các cấp trong huyện tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết gắn với Chương trình đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới, tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp hội cơ sở và Nhân dân. Đổi mới phương thức sản xuất và phát triển kinh tế hợp tác, tổ chức phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, trên cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế gia trại, trang trại; tiếp tục phát triển liên kết “4 nhà” ở các vùng sản xuất hàng hóa, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phù hợp điều kiện sản xuất an toàn, có thị trường tiêu thụ ổn định, kết hợp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đáp ứng mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo được tính cạnh tranh; hạn chế ô nhiễm môi trường. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch sản xuất và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Lê Hoàn