Tuy nhiên, giờ đây khi muốn vãn hồi hòa bình tại Syria, thụ hưởng thành quả chiến tranh, chiến lược can thiệp của Putin lại gặp nhiều cản lực.
Cản lực Idlib
Dưới sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ, ý định của Nga, Iran và Syria - muốn tấn công dứt điểm Idlib - phải tạm gác sang một bên. Idlib chính là một trong 4 cản lực đối với Nga trên con đường “bình định” Syria. Theo phân tích của Anthony Samrani, giáo sư chính trị của trường đại học Lyon (Pháp) trên trang mạng L’Orient Le Jour ngày 21/9, sở dĩ Nga phải đình chỉ chiến dịch Idlib vào giờ chót vì sợ mất "điểm tựa" ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong nỗ lực ngăn cản phương Tây tham gia định đoạt số phận Syria, Tổng thống Putin đã tổ chức Hội nghị Astana với 3 nước trụ cột gồm một bên là Nga và Iran (ủng hộ Damascus), còn bên kia là Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ cho phe nổi dậy. Ankara bằng mọi giá phải giữ Idlib vì đó là lá át chủ bài trong "canh bạc" Syria và cũng để tránh bị làn sóng người tị nạn tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ nếu căn cứ cuối cùng của phe nổi dậy thất thủ.
Cản lực Israel
Khó khăn thứ hai của Nga là làm sao giải quyết được xung khắc giữa đồng minh Iran và đối tác Israel? Moskva cho không quân Israel oanh kích vị trí quân sự, tên lửa, kho đạn của lực lượng Iran và Hezbollah. Trong khi Nhà nước Do Thái thẳng thừng tuyên bố sẽ không để cho Iran bám rễ tại nước láng giềng Syria. Ngày 17-9, bốn chiếc F-16 của Israel tấn công thẳng vào vùng được xem là “bản doanh” của Nga tại Syria, đó là tỉnh Lattaquié. Điều trớ trêu là tên lửa phòng không S-200 do Nga cung cấp cho Syria thay vì phóng vào máy bay địch lại bắn hạ một máy bay trinh sát của Nga hoạt động trong khu vực, làm 15 quân nhân Nga thiệt mạng. Vụ việc này cho thấy Nga không đủ sức giới hạn các hoạt động của Israel tại Syria
Cản lực Mỹ
Trái với những lời đánh tiếng rút quân của Tổng thống Mỹ Donald Trump, quân đội Mỹ vẫn tiếp tục hiện diện tại miền Bắc và Đông Syria. Đây là vùng đất có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự sống còn của chính quyền Damascus bởi vì đất đai phì nhiêu và có nhiều mỏ dầu. Cũng như Ankara, chính quyền Washington không thể bỏ lá át chủ bài quân sự này, vốn được Mỹ dùng để gây sức ép với Damascus và nhất là để ngăn Teheran theo đuổi một chính sách mở rộng ảnh hưởng từ Iran cho đến Địa Trung Hải.
Với quyết tâm cản trở của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hy vọng của Damascus về việc tái chiếm các khu năng lượng và nông nghiệp trở nên xa vời. Người Kurdistan-Syria do Mỹ yểm trợ, đang kiểm soát đến 30% lãnh thổ Syria, khó có thể chấp nhận sống chung hòa bình với Damascus. Washington đã nói rõ “không có chuyện phục hồi chế độ Bashar al-Assad”.
Cản lực Damacus
Phục hồi chế độ Damascus chính là cản lực thứ tư trong kế hoạch hòa bình của chủ nhân Điện Kremlin. Cho dù nhiều nước chịu “thích nghi” với nhà độc tài Bashar al-Assad, nhưng các thủ đô phương Tây và các vương quốc vùng Vịnh đặt nhiều điều kiện trong việc tài trợ tái thiết Syria. Điều kiện của Saudi Arabia là Syria phải "bỏ" Iran. Liên minh châu Âu (EU) cũng trong chiều hướng ngăn chặn ảnh hưởng của Iran, đòi phải có bầu cử dân chủ và tự do thật sự. Trong khi đó, chế độ Damascus từ chối công nhận và đàm phán với phe đối lập mà họ cho là lực lượng “khủng bố” cần phải tiêu diệt.
Cho đến lúc này, Assad và Putin vẫn chọn con đường dùng vũ lực. Chủ nhân Điện Kremlin có lẽ sẽ nhận ra rằng xử lý một cuộc nội chiến có lẽ đơn giản hơn nhiều việc vãn hồi hòa bình với những đồng minh chủ chiến như Assad và lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.
Theo TTXVN