Trong cuộc bỏ phiếu ngày 20-9-2018, Thủ tướng Abe đã giành được 553 phiếu, cao hơn nhiều so với 254 phiếu mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba (Shi-ghê-rư I-si-ba) giành được trong cuộc đua giành ghế Chủ tịch LDP. Chiến thắng này đã mở ra cơ hội giúp ông Abe trở thành thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất ở Nhật Bản và tiếp thêm cơ hội theo đuổi mục tiêu về việc hiện thực hóa lần sửa đổi hiến pháp hòa bình lần đầu tiên kể từ khi bộ luật cao nhất này có hiệu lực hồi năm 1947.
Ông Abe, 63 tuổi, từng giữ chức Thủ tướng Nhật Bản từ tháng 9-2006. Năm 2007, ông từ chức Thủ tướng và chức Chủ tịch LDP với lý do sức khỏe. Tháng 9-2012, ông được bầu lại làm Chủ tịch đảng LDP và trở lại giữ chức Thủ tướng vào cuối năm đó sau cuộc bầu cử Quốc hội, trong đó LDP đánh bại đảng Dân chủ cầm quyền khi đó. Năm 2015, ông Abe tái đắc cử chức Chủ tịch LDP sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Năm 2017, LDP đã quyết định kéo dài giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch đảng, từ 2 nhiệm kỳ liên tiếp thành 3 nhiệm kỳ liên tiếp (mỗi nhiệm kỳ 3 năm).
Ngày 26-8 vừa qua Thủ tướng Abe đã thông báo quyết định tham gia tranh cử chức Chủ tịch đảng LDP vào ngày 20-9 với quyết tâm tiếp tục chèo lái đất nước trên cương vị người đứng đầu LDP và chính phủ.
Theo giới phân tích, việc ông Abe giành chiến thắng trong cuộc bầu cử người lãnh đạo LDP là điều không hề bất ngờ, bởi ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu, kết quả các cuộc thăm dò cho thấy Thủ tướng Abe chiếm ưu thế so với đối thủ là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba (Shi-ghê-rư I-si-ba). Theo kết quả khảo sát được hãng thông tấn Kyodo công bố, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Abe là 61%, trong khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba chỉ nhận được 28,6% ý kiến ủng hộ. Và việc giành chiến thắng trong cuộc đua giành ghế Chủ tịch LDP chính là đánh giá của đảng LDP cầm quyền và người dân Nhật Bản đối với năng lực của đương kim Thủ tướng Abe trong thời gian cầm quyền.
Về chính trị, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã tiến hành nhiều đợt cải tổ chính phủ, trong đó cuộc cải tổ chính phủ hồi tháng 8-2017 với trọng tâm nhấn mạnh tính ổn định và chuyên nghiệp của chính quyền được dư luận hoan nghênh. Thành công trong lĩnh vực chính trị đã tạo cơ sở vững chắc để Thủ tướng Nhật Bản Abe theo đuổi chủ trương sửa đổi hiến pháp năm 1947 và nâng cao vị thế của Nhật Bản trong cấu trúc an ninh toàn cầu mới.
Trong lĩnh vực ngoại giao, Thủ tướng Abe đã phát huy được thế mạnh của mình. Bất đồng giữa Nhật Bản và Nga về khu vực mà Moskva gọi là Quần đảo Nam Kuril còn Tokyo gọi là Lãnh thổ phương Bắc vốn là mối quan tâm lớn của người dân Nhật Bản. Với cách tiếp cận khôn khéo, ông Abe luôn nỗ lực, tìm các biện pháp hiệu quả nhằm hướng tới một hiệp định hòa bình để hóa giải bất đồng giữa Nga và Nhật Bản trong vấn đề lãnh thổ. Chính vì vậy, tuyên bố công khai của Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin), thể hiện mong muốn sớm ký hiệp định hòa bình với Nhật Bản đã giúp Thủ tướng Abe “ghi điểm” ngay trước thềm bầu cử LDP, khẳng định với người dân Nhật Bản về năng lực giữ vững vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế.
Lĩnh vực kinh tế cũng là một điểm sáng, mang lại lợi thế cho nhà lãnh đạo Nhật Bản. Chính sách kinh tế Abenomics được Thủ tướng Abe khởi xướng từ năm 2012 đã được thực hiện hiệu quả, với các kết quả ấn tượng, đó là nền kinh tế Nhật Bản phục hồi sau 20 năm chìm trong giảm phát, đồng yên giảm giá tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua, doanh thu của doanh nghiệp tăng... Các số liệu mới nhất của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, kinh tế Nhật Bản quý III/2018 vốn đã được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ tiếp tục khởi sắc sau khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong quý II/2018 với mức tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có ý kiến cho rằng kinh tế Nhật Bản vẫn còn những khó khăn như tỷ lệ nợ công thuộc nhóm cao trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) khiến tình hình tài chính vẫn đáng lo ngại, lợi nhuận công ty vẫn chưa đạt mức cao, lương tối thiểu vẫn còn thấp, song không thể phủ nhận những kết quả tích cực mà Abenomics đem lại cho kinh tế Nhật Bản. Thắng lợi của ông Abe là sự đồng tình của người dân dành cho Abenomics và đồng nghĩa với việc chính sách này sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử LDP tiếp tục đặt Thủ tướng Nhật Bản Abe vào trọng trách là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với đất nước trước hàng loạt vấn đề gồm phục hồi kinh tế, cải cách an sinh xã hội, cải thiện việc làm, sửa đổi điều 9 Hiến pháp liên quan đến vai trò của lực lượng phòng vệ, vấn đề Triều Tiên, trao đổi thương mại với Mỹ, quan hệ với Trung Quốc… Đặc biệt, trong bối cảnh chính quyền của ông Abe vẫn đang phải vật lộn với tỷ lệ ủng hộ tương đối thấp sau một loạt vụ bê bối mua bán đất công của các quan chức, những kế hoạch tham vọng của Thủ tướng Abe có thể bị cản trở.
Trong bài diễn thuyết tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Abe đã bày tỏ quyết tâm cùng người dân xây dựng một đất nước mới, khẳng định nhấn mạnh cam kết đem lại cho thế hệ trẻ “một đất nước Nhật Bản tự hào và đầy hy vọng”. Tuy nhiên, để thực hiện cam kết cùng người dân xây dựng một đất nước mới, ông Abe còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Theo TTXVN